Tuyến đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Thường Tín dài khoảng 9km thuộc địa phận 9 xã. Để đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, những ngày này cả hệ thống chính trị của huyện Thường Tín đang nỗ lực vào cuộc với mục tiêu hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một cách bài bản, cụ thể, đúng quy định của pháp luật.
Gia đình ông Lương Văn Thông, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà có 2 nhân khẩu chính và 1 nhân khẩu phụ, năm 1993 được chia 1.000m2 đất nông nghiệp. Nay toàn bộ diện tích này nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tôi cùng các thành viên trong gia đình xin chấp hành thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của các cấp.
“Đất sản xuất nông nghiệp tuy đã gắn bó với cuộc sống gia đình tôi từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay bản thân tôi tuổi đã cao và cũng không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp nên tôi sẽ sớm bàn giao cho nhà nước để tạo điều kiện cho việc triển khai thi công tuyến đường Vành đai 4, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương” - ông Lương Văn Thông chia sẻ.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện Thường Tín có tổng chiều dài khoảng 9km, thực hiện thu hồi khoảng 120ha đất tại 9 xã; bồi thường, hỗ trợ, GPMB 2.001 hộ, cá nhân, 14 tổ chức; tái định cư 236 hộ, di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã. Thời điểm này, mặc dù chưa nhận được tiền hỗ trợ, song nhiều gia đình trong diện GPMB đã chủ động di dời mộ tới địa điểm mới.
Ông Lương Thanh Sơn, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà cho biết: “Vấn đề này liên quan đến tâm linh, nên các gia đình cũng muốn triển khai di dời mộ đảm bảo đúng thủ tục và chu đáo. Các thành viên trong gia đinh tôi cũng đồng thuận, thống nhất cao, mặc dù kinh phí để di chuyển mỗi ngôi mộ bình quân từ 5 - 15 triệu đồng”.
Trao đổi về công tác thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã Khánh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Dương Thanh Tuấn cho biết: Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, ngoài hỗ theo đơn giá, TP sẽ hỗ trợ thêm cho các hộ dân 2 triệu đồng/ngôi mộ phải di chuyển. Trong tháng 11 này dự kiến sẽ có số tiền hỗ trợ di dời mộ chí cho các hộ.
Theo chỉ đạo của UBND TP, phấn đấu đến hết tháng 6/2023 hoàn thành 70% công tác GPMB để tiến hành khởi công dự án. Nhận thức rõ tính cấp bách trong triển khai GPMB, Thường Tín đã thành lập Ban chỉ đạo và 9 tổ công tác thực hiện dự án. Công khai, minh bạch, tổ chức họp dân là cách thức được các địa phương trên địa bàn đồng loạt thực hiện nhằm giải đáp, tiếp thu những thắc mắc, kiến nghị của người dân.
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú khẳng định: Đơn vị đã chủ động phối hợp với UBND xã, các tổ công tác các xã để thực hiện nhanh và có số liệu cụ thể, chính xác, ngay sau khi có chế độ chính sách phù hợp. Đơn vị chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc phê duyệt và chi trả cho người dân, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng thời hạn.
Việc làm này có sự chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và UBND các xã có tuyến đường Vành đai 4 đi qua. Tôi tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ và đang sẵn sàng nhận tiền đền bù, sớm bàn giao mặt bằng.
Đến nay, biên bản điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất phục để vụ công tác GPMB thực hiện Dự án đường Vành đai 4 đã được người dân 9 xã của huyện Thường Tín đồng thuận ký kết, tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án ở các bước tiếp theo.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho Hà Nội hiện nay. Đồng thời, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.
Đối với huyện Thường Tín, dự án sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, phấn đấu đạt tiêu chí Quận của TP Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030.