Nỗ lực vì cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối đưa “tiếng nói” của cộng đồng...

Kinhtedothi - “Sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối đưa “tiếng nói” của cộng đồng DNVVN Thủ đô với lãnh đạo TP, đồng hành cũng các DN trong việc kiến nghị, đề xuất với TP các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh… ”. Đây là khẳng định của ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ (DNVVN) TP Hà Nội trong cuộc trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp Hiệp hội kỷ niệm 20 năm thành lập (15/5/1995 – 15/5/2015).

Hiệp hội sắp tròn 20 năm thành lập, xin ông cho biết những đóng góp của cộng đồng DNVVN đối với kinh tế Thủ đô trong những năm qua?

- Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND công cuộc đổi mới của Hà Nội đã thu hút được nhiều thành tựu quan trọng. Trong 20 năm qua môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh về chất lượng điều hành cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân GDP của Hà Nội đạt 8,8%, trong đó dịch vụ tăng 9,6%, công nghiệp xây dựng tăng 8,5%, nông lâm nghiệp thủy sản tăng 2,0%, thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt 70 triệu đồng/năm gấp 4,49 lần  so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn tăng nhanh. Công nghiệp -  xây dựng tiếp tục phát triển. Nông nghiệp - lâm nghiệp, thủy sản tăng nhanh về số lượng, giảm về tỷ lệ. Hà Nội đi đầu trong vấn đề xây dựng nông thôn mới.. Thu hút vốn đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh.
ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ (DNVVN) TP Hà Nội.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ (DNVVN) TP Hà Nội.
Đóng góp vào kết quả ấy không thể không kể đến vai trò của các DNVVN vì chúng tôi chiếm đến 95% DN trên địa bàn; Đóng góp trên 38,9% GDP cho TP. Hiệp hội được coi là cách tay nối dài của TP đến cộng đồng DN Thủ đô, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, từ thiện, an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn…
Ông Nguyễn Tiến Chín – Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xây dựng EPower:

“Thông qua Hiệp hội, các DN hội viên cập nhật được một số thông tin, chính sách của T.Ư, TP dành cho DN. Hiệp hội cũng chủ động tìm hiểu khó khăn của DN và có ý kiến với TP để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Ví dụ thông qua Hiệp hội, Epower đã được tháo gỡ những khó khăn về vốn, về thu hồi công nợ, thuê mặt bằng kinh doanh... ngay trong những năm đầu thành lập.

Thời gian tới, Hiệp hội cần tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn TP và mở rộng giao thương với DN nước ngoài để tạo điều kiện cho các DN tìm kiếm khách hàng mới, nên tổ chức 1 - 2 lần/tháng; Chia nhỏ chi hội thành các chi hội quận, huyện để các hội viên có thể họp riêng và giúp nhau phát triển tốt hơn;  Chia các DN theo ngành nghề, có chung khách hàng mục tiêu để các DN có thể liên kết thành chuỗi, thuận lợi hơn cho các DN dùng hàng của nhau; Xây dựng một forum (diễn đàn) trên trang web chung để các hội viên khác có cơ hội được giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Các sản phẩm, dịch vụ khi đăng phải được văn phòng Hiệp hội xác nhận và chứng thực tính khả thi, tránh tình trạng các DN lợi dụng để đánh bóng thương hiệu”.

Các DNVVN có kiến nghị gì với TP trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN phát triển hơn nữa?

- TP cần tạo điều kiện để các DNVVN có thể tham gia các dự án sử dụng ngân sách hoặc quỹ đầu tư Nhà nước. Hiện nay những dự án về xây dựng cơ bản, hạ tầng, môi trường (nước, rác thải...), y tế, giáo dục... DNVVN rất khó tiếp cận, nếu được tham gia thì chỉ đóng vai trò thầu thứ cấp. Ở nhiều dự án hạ tầng, DN không có thông tin để tham gia đấu thầu, nếu có thông tin thì cũng khó “theo” được vì các tiêu chí trong hồ sơ thầu thường ưu tiên các DN ngoại, DN sử dụng công nghệ nhập khẩu. DNVVN vốn đã “mỏng” lại không “trường” nên khi tham gia các dự án của Nhà nước còn bị nợ đọng, chậm giải ngân... thường gặp nhiều rủi ro.

Vừa rồi, Hiệp hội đã đề xuất với lãnh đạo TP Hà Nội bố trí mặt bằng phù hợp (từ 1.000 – 3.000 m2) trong các khu công nghiệp, vùng ngoại thành để DNVVN thuê làm nhà xưởng. Phân chia diện tích mặt bằng 5.000 – 10.000 m2 như hiện nay là quá rộng và rất ít DN thuê được. TP đã đồng ý về mặt chủ trương và giao Sở Công Thương và Hiệp hội cùng lập phương án cụ thể.

Nếu được Nhà nước tạo sân chơi công bằng liệu các DNVVN có đủ sức cạnh tranh, “dám nhận” các dự án lớn?

- Nếu được TP hỗ trợ, tạo sân chơi công bằng cho mọi thành phần DN, tôi nghĩ rằng rất nhiều DN trong hiệp hội đủ sức cạnh tranh với các DN Nhà nước, cũng như DN nước ngoài. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vì thế Nhà nước cần để các DN tự cạnh tranh theo quy luật thị trường mà không can thiệp. Thời gian qua, các DN đã chứng tỏ được năng lực của mình, nhiều DN của chúng tôi đã có được thị phần ở nước ngoài, không lý gì họ không thể thành công ở thị trường trong nước.

Để không bị tụt hậu trong hội nhập, các DN cần chuẩn bị những gì?

- DN cần chuẩn bị về nhân lực, sản phẩm và vốn. DN phải có lực lương nhân sự hội nhập, trình độ hội nhập. Phải đổi mới công nghệ, cải thiện mẫu mã đẻ đáp ứng được yêu cầu của cả một thị trường ASEAN với 600 triệu dân. Về vốn, với lãi suất cho vay như hiện nay thì vốn ở Việt Nam không hề rẻ so với nhiều nước trong khu vực, kênh vay vốn hiện nay cũng chưa đa dạng. Nếu phải cạnh tranh với những DN Thái Lan, Singapore.. có vốn mạnh hơn thì các DN trong nước khó có thể trụ vững.
Ông Phan Văn Học – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sohaco Việt Nam:

“Thời gian tới, Hiệp hội nên có thêm nhiều buổi xúc tiến làm việc với lãnh đạo, sở, ban, ngành của TP, kiến nghị TP tạo cơ hội cho các DN tham gia các dự án lớn. Ngoài ra, Hiệp hội nên gửi thông tin, hay cập nhật danh sách hội viên từng quý gửi cho các hội viên để các hội viên có thể chủ động tiện liên lạc và kết nối với nhau; theo dõi, nắm bắt tình hình “sức khỏe” của hội viên để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ”.
Ông có thể so sánh thực lực của DNVVN Việt Nam với các DN trong cùng khu vực?

- Các DNVVN trong khu vực có quy mô nhân sự không nhiều như Việt Nam. Một DN chỉ có chưa đến 10 người nhưng họ có thể xuất khẩu hàng đi cả thế giới, quản lý mạng lưới phân phối rộng khắp. Có được điều này la vì năng suất lao động của họ hiện cao hơn người Việt. Một người Singapore có thể làm gấp 15 lần người Việt. DNVVN nước ngoài đã thâm nhập ra thị trường thế giới từ mấy chục năm trước, mức độ bao phủ sản phẩm của họ đến 200 quốc gia, trong khi DN Việt mới chỉ ra nước ngoài được vài năm trở lại đây, thị trường chỉ giới hạn ở vài chục nước. So với họ, chúng ta mới chỉ đang “chập chững” hội nhập. Khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, DNVVN của ta phải qua nhiều kênh trung gian, nên lợi nhuận không cao. Sản phẩm của chúng ta gia công nhiều nên giá trị thương mại thấp.

Để giải quyết vấn đề này, các DN cùng chung ngành nghề cần liên kết rồi bầu ra một DN đứng đầu, chịu trách nhiệm đi đấu thầu, không nên cạnh tranh nhỏ lẻ vừa bị ép giá, vừa không thu hút được nhân lực chất lượng cao, khó trúng thầu dự án lớn. Khi hội nhập, các DN cũng phải có chiến lược kinh doanh, có bộ phận quản lý rủi ro để làm công tác dự báo thị trường. Vấn đề này rất quan trọng.

Hiệp hội đã và sẽ có kế hoạch cụ thể gì để giúp cộng đồng DNVVN Hà Nội vượt qua khó khăn và nắm bắt tốt các cơ hội hội nhập sắp tới?

- Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào 3 hướng hoạt động chính. Một là, tìm kiếm tư vấn hỗ trợ các nguồn vốn, các giải pháp tài chính tín dụng mới, chất lượng, hợp lý cho DN. Hai là, tổ chức và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại tiêu dùng nội khối, kết nối kinh doanh với các DN, thị trường tại các nước trên thế giới. Mời chuyên gia uy tín trong nước và nước ngoài tư vấn cho các DN hội viên về các mô hình công ty toàn cầu, các công ty vệ tinh. Ba là, đồng hành với các DN trong việc kiến nghị, đề xuất với TP các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…

Xin cảm ơn ông!

 
- Ngày 21/12/1995, CLB các DNVVN đã ra đời theo Quyết định số 4518/QĐUB của UBND TP Hà Nội. Ngay sau khi thành lập, CLB các DNVVN đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, phát triển DNVVN.

- Năm 1997 chương trình "Đêm Doanh nghiệp" lần đầu tiên được tổ chức để tôn vinh các doanh nhân, DN và đã trở thành sự kiện thường niên trong 20 năm qua. Trước đòi hỏi về một tổ chức rộng lớn và chặt chẽ hơn để tập hợp được đông đảo các DN Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 2209/QĐ-UB chuyển CLB các DNVVN TP Hà Nội thành Hiệp hội các DNVVN TP Hà Nội (Hasmea).

- Sau 20 năm đồng hành và phát triển cùng các DN Thủ đô, hiện Hasmea có gần 1.600 thành viên, rất nhiều trong số này là các DN tầm cỡ quốc gia, quốc tế.   Hiệp hội cũng đã tăng cường hoạt động bằng việc mở các hội thành viên tại: Quận Đống Đa, Cầu Giấy, huyện Đan Phượng, xã Kim Chung, xã La Phù, CLB Tennis, CLB Gofl, CLB Nữ doanh nhân, CLB Ceo +… 

- Trong mục tiêu đến năm 2020, Hasmea phấn đấu nâng số hội viên lên 3.000, hình thành các chi hội, CLB tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; Nhiều DN thành viên nằm trong top 100 DN hàng đầu trong nước, đạt thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của tất cả các thành viên… xứng đáng với kỳ vọng của cộng đồng DN.

- Với 20 năm thành lập, Hasmea đã khẳng định vai trò kết nối và hỗ trợ phát triển cho các DN Thủ đô và đất nước; Vinh dự đón nhận: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng năm 2006; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP HN 11 năm liên tiếp (2004 - 2015); Bằng khen của VCCI 3 năm 2014, 2010, 2008; Bằng khen của MTTQ TP Hà Nội năm 2013… Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Hasmea vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần