Trảy hội bình an
Có mặt tại đền Kiếp Bạc, đê sông Thương, núi Nam Tào, Bắc Đẩu ta như thể lạc vào không gian văn hóa tự xa xưa. Đây là tâm điểm diễn ra lễ hội thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay. Trong khu vực nội tự đền Kiếp Bạc, không lúc nào ngớt du khách đổ về hành lễ.
Trên đê sông Thương tấp nập người trảy hội, dưới sông san sát thuyền bè vào ra. Phiên chợ hội Kiếp Bạc bán chum, vại, chiếu, nón và các sản vật địa phương phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật đã tạo lên nét đặc trưng riêng của lễ hội thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ hàng trăm năm nay.
Nếu như năm trước, tình trạng xe ôm đi lại tự do trước cổng đền gây tình trạng lộn xộn thì năm nay nghi môn đền đã thanh tịnh, thông thoáng. Hệ thống hàng quán cũng được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp. Tình trạng lén lút đổi tiền lẻ ăn chênh lệch tại cổng di tích cơ bản không còn. Trong khu vực đền, lực lượng vệ sinh thường trực thu gom rác.
Từ đầu tháng Tám (Âm lịch), Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đã phối hợp với công an các phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, xã Hưng Đạo di dời 15 hàng quán tại nội tự chùa Côn Sơn, đường lên Bàn Cờ Tiên. Ban quản lý cũng bố trí bảo vệ tuần tra hàng ngày từ chân núi lên Bàn Cờ Tiên xử lý các trường hợp hành nghề bói toán, cho thuê chiếu ngồi với giá cao.
Để bảo đảm trật tự cho lễ hội, các chốt barie có nhân viên an ninh chốt giữ đã được lập tại các bãi xe của di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc ngăn chặn tình trạng xe ôm vào bắt khách trong khuôn viên di tích. Về phía các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa đã phối hợp quản lý chặt chẽ các hộ bán hàng quán, bảo đảm đúng nơi quy định.
Năm nay, không còn tình trạng các hàng quán bày bán trên đường đá dẫn vào di tích Kiếp Bạc. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hoạt động của các hộ làm dịch vụ bán hàng quán, nhà nghỉ, yêu cầu ký cam kết bán hàng, phục vụ theo đúng giá niêm yết đồng thời xử lý nghiêm việc chèo kéo khách, viết sớ, xem bói, chụp ảnh trái quý định cả hai khu Côn Sơn và Kiếp Bạc.
Theo ghi nhận, chỉ trong những ngày đầu triển khai, các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp lén lút đổi tiền lẻ tại cổng đền Kiếp Bạc, ngăn chặn tình trạng đưa vàng mã và trong đền, xử lý một số trường hợp ăn xin, ăn mày... Vì vậy mà du khách về dự lễ hội cũng cảm thấy an tâm, thoải mái.
Để trang hoàng, tạo không gian lễ hội đặc trưng, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã cắm trên 2.000 cờ hội, cờ hồng kỳ, treo 500 đèn lồng truyền thống tại hai khu di tích. Ban quản lý còn thành lập các trạm thông tin du lịch để phát tờ rơi giới thiệu cho du khách. Lắp đặt 10 giàn với trên 600 ảnh ở cả Kiếp Bạc và Côn Sơn giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, lễ hội đặc sắc của di tích.
Các ngả đường về thị xã Chí Linh, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc sặc sỡ sắc màu của cờ hội. Các phướn chữ, bảng, biển giới thiệu nội dung, chương trình lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành điểm nhấn tại các điểm mút giao thông, các trục đường chính và các vùng quê. Tại lối rẽ vào khu di tích từ thị xã Chí Linh nổi bật tấm biển giới thiệu trực quan di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc bằng hai thứ tiếng Anh, Việt.
Không gian văn hóa đặc sắc
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là lễ tưởng niệm 715 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tuyên truyền giá trị của quần thể di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc hướng tới trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm là di sản thế giới. Bởi vậy về đây, du khách sẽ được đắm mình vào không gian văn hóa với những nghi thức truyền thống đặc sắc như lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ dâng hương tại đền Nam Tào, Bắc Đẩu, chùa Côn Sơn; lễ rước bộ, dâng hương, tế lễ tại đền Nguyễn Trãi vầ Trần Nguyên Đán, lễ tế Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi… Các trò hội có: Liên hoan múa rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ V, liên hoan diễn xướng hầu thánh tại đền Kiếp Bạc, đua thuyền truyền thống tại hồ Kiếp Bạc…
Đặc biệt về Côn Sơn – Kiếp Bạc, du khách sẽ được đắm mình vào các nghi lễ đã làm lên bản sắc riêng của lễ hội mùa thu. Linh thiêng là lễ rước bộ dâng cỗ lợn sống, cỗ bánh xu xuê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật đặc trưng của Nhân dân hai làng Dược Sơn, Vạn Yên và lễ tượng niệm 715 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngày chính hội.
Ông Phạm Khắc Khoa- trưởng thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo cho biết: Để chuẩn bị cho lễ rước bộ năm nay, Nhân dân trong thôn chúng tôi đã chuẩn bị một con lợn trên 50kg cùng hơn 10 cân gạo, đỗ để làm các loại bánh truyền thống. Thôn cũng bố trí trên 100 người với trang phục truyền thống, kiệu, cờ, lọng, bát bửu, lân, rồng tham gia lễ rước.
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo duyệt quân tháng 6/1285 luôn là sự kiện để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Hòa vào lễ hội quân, mỗi cá nhân như thể được sống lại thời khắc lịch sử giữ nước của ông cha hơn 700 năm về trước.
Ông Nguyễn Khắc Minh- Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, năm nay sẽ có hơn 30 tàu, thuyền của bà con ngư dân xã Kênh Giang về trình diễn tại lễ hội quân. Góp phần vào sự hoành tráng của lễ hội quân còn có màn trình diễn độc đáo, đặc sắc của hơn 400 võ sinh môn phái Nhất Nam, đông gấp đôi năm ngoái cùng màn biểu diễn của các đội múa rồng, lân, cờ, trống.
Đặc biệt năm nay có lễ ban ấn quy mô lớn cho Nhân dân và du khách thập phương. Ban ấn Đức Thánh Trần là nghi lễ cổ truyền trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Theo truyền thống, vào trước ngày đại kỵ của Đức Thánh, chính quyền sở tại cùng các thủ từ làm lễ đóng ấn vào tấm lụa vàng, làm lễ xin phép ngài và ban phát cho khách thập phương để Đức Thánh phù hộ, che chở và có được nhiều may mắn trong cuộc sống.
Sau 6 năm, lần này, lễ ban ấn sẽ được tổ chức với quy mô lớn. Ban tổ chức đã chuẩn bị 30 nghìn ấn ban cho Nhân dân và du khách thập phương. Chuẩn bị cho kỳ lễ hội đặc biệt này, Ban tổ chức đã xây dựng các kế hoạch, kịch bản chi tiết, thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ngày 22/9 (tức 10/8 âm lịch), hàng nghìn Nhân dân địa phương và du khách thập phương cùng Ban tổ chức đã tề tựu trước nghi môn đền Kiếp Bạc kính cẩn tiến các cỗ lễ chay, lễ mặn làm lễ cáo yết xin phép được mở cửa đền. Tiếng trống chiêng khai hội đã điểm.
Theo Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, mới đầu hội, lượng du khách về hành hương chiêm bái rất đông. Chỉ tính trong 2 ngày cuối tuần 19/9 và 20/9 đã có trên 2 vạn lượt khách đến với Côn Sơn – Kiếp Bạc. Con số trên không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc mà còn thể hiện lòng thành kính của các tầng lớp Nhân dân với các bậc tiên nhân có công với nước, và trên hết là lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Lễ hội quân và biểu diễn múa rồng tại sông Lục Đầu.
|
Lễ rước bộ, tiến cỗ lợn, cỗ bánh bánh xu xê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật đặc trưng của nhân dân hai làng Dược Sơn, Vạn Yên về đền Kiếp Bạc.
|
Nhân dân địa phương và du khách thập phương cùng Ban tổ chức cúng tiến các cỗ lễ chay, lễ mặn làm lễ cáo yết xin phép được mở cửa đền.
|
Góp phần vào sự hoành tráng của lễ hội quân còn có màn trình diễn độc đáo, đặc sắc của hơn 400 võ sinh môn phái Nhất Nam.
|
Lễ hội quân, một nghi lễ truyền thống trên sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc.
|
Chương trình Lễ hội mùa thu Côn sơn - Kiếp Bạc năm 2015 1. Tại Kiếp Bạc Ngày 27-9 (15-8 âm lịch) - 7 giờ 30 - 16 giờ: Giải đua thuyền truyền thống tại hồ Kiếp Bạc. Ngày 28-9 (16-8 âm lịch) - 9 giờ - 16 giờ: Liên hoan rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ V tại hồ Kiếp Bạc. - 14 giờ -18 giờ: Cúng Phật, Thánh, hội đồng Trần triều tại đền Kiếp Bạc. - Từ 14 giờ đến 16 giờ: Lễ dâng hương tại đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu. - Từ 19 giờ đến 23 giờ: Khai mạc Liên hoan diễn xướng hầu thánh tại sân đền Kiếp Bạc. - 23 giờ: Lễ khai ấn và ban ấn. Ngày 29-9 (17-8 âm lịch) - 6 giờ - 9 giờ: Lễ rước bộ, lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. - 9 giờ 30 - 10 giờ 30: Hội quân trên sông Lục Đầu. - 14 giờ - 16 giờ: Liên hoa múa rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ V tại hồ Kiếp Bạc. - 19 giờ - 23 giờ: Liên hoan diễn xướng hầu thánh và bế mạc tại sân đền Kiếp Bạc. Ngày 30-9 (18- 8 âm lịch) - 19 giờ - 21 giờ 30: Lễ cầu an và Hội hoa đăng tại đê sông Lục Đầu. Ngày 2-10 (20-8 âm lịch) - 7 giờ 30 - 11 giờ: Lễ tế, Lễ giỗ Đức Thánh Trần tại đền Kiếp Bạc và núi Mâm Xôi. 2. Tại Côn Sơn Ngày 29-9 (16-8 âm lịch) - 6 giờ -7 giờ: Lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn - 8 giờ -9 giờ: Lễ rước, lễ dâng hương, lễ tế tại đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán. Ngày 27 đến 30-9 (15 đến 18-8 âm lịch) - 8 giờ-16 giờ: Các hoạt động văn nghệ tại chùa Côn Sơn. |