Cách đây 224 năm (năm 1789), vào ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn cùng nhân dân đã thần tốc ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa lịch sử. Chính vì vậy, đã thành thông lệ, ngày mùng 5 Tết, tại gò Đống Đa, người dân Hà Nội lại mở hội mừng chiến thắng.
Lễ hội gò Đống Đa 2013.
Lễ hội năm nay diễn ra với rất nhiều hoạt động. Phần lễ bao gồm: Lễ dâng hương, lễ rước kiệu. Phần hội là chương trình nghệ thuật tái hiện khí thế hào hùng của quân Tây Sơn. Ngoài ra, người dân của các quận, huyện Hai Bà Trưng, Từ Liêm… góp vào lễ hội những bộ môn nghệ thuật cổ truyền như: Múa võ thuật, múa sinh tiền, chơi cờ người, múa lân, múa rồng…
Thời tiết năm nay có vẻ ủng hộ người đi hội, trời hơi se lạnh, không mưa nhiều như những năm trước, nên ngay từ sáng sớm, bãi trông xe phía cổng đường Tây Sơn và đường Đặng Tiến Đông đã kín chỗ.
Rất nhiều người dân ở các huyện ngoại thành như: Chương Mỹ, Hoài Đức đến tham dự lễ hội muộn hơn so với người dân ở khu trung tâm đã phải vòng đi gửi xe từ những điểm xa.
Chương trình nghệ thuật tái hiện hào khí Tây Sơn.
Bà Lệ Hằng, Chủ tế quận Hai Bà Trưng cho biết: “Năm nay là năm thứ 9, bà làm chủ tế của quận, năm nào cũng thấy các cụ háo hức chuẩn bị đồ lễ từ sáng sớm hôm trước. Buổi tối, đông đảo các cụ cao tuổi trong quận cùng con cháu rước lễ qua các ngôi chùa trong quận rồi rồng rắn cúng lễ lên vua Quang Trung vào sáng sớm ngày mùng 5 tại gò Đống Đa”.
Lễ hội gò Đống Đa năm nay có quy mô lớn hơn năm trước. Ngoài các đoàn rước ở các quận, huyện Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cũng về góp lễ với đội rước lên tới hàng trăm người. Trong buổi chiều nay, lễ hội sẽ được tiếp tục với các tiết mục thi đấu võ thuật, cờ người, cờ tướng, biểu diễn quan họ Bắc Ninh... tại công viên văn hóa gò Đống Đa để phục vụ nhân dân và du khách.