Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ xấu ngân hàng ngày càng xấu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạt yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng đã khiến tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng xấu thêm.

Nợ xấu hầu hết các ngân hàng đều “phình to”

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong nước đã công bố báo cáo tài tài chính quý III/2023 cho thấy, hầu hết nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với đầu năm 2023.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như LPBank ghi nhận chất lượng tài sản giảm so với quý trước với nợ xấu tăng hơn gấp đôi lên 7,36 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,46% hồi đầu năm lên 2,79%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tại BacABank, tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt gần 145 tỷ đồng, tăng tới 245%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 289% lên mức 193 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý III/2023.

Còn ở PGBank, nợ xấu đến cuối tháng 9 đã tăng lên mức 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III/2023.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của HDBank bắt đầu tăng từ quý II và đến quý III/2023 đạt 2,3% (tăng thêm 0,1% so với cuối quý II). Tỷ lệ nợ xấu của ACB liên tục tăng kể từ quý IV/2022, đến cuối quý III/2023 ghi nhận mức 1,2%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank trong 3 quý gần nhất lần lượt là 0,8%, 1,1% và 1,4%. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II lên 3,96% cuối quý III/2023. Nợ xấu tại BaoVietBank tăng 39% so với đầu năm, nâng tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,34% hồi đầu năm lên 3,98% khi kết thúc quý III/2023. ABBank là 4,6%, trong khi cuối năm 2022 là 2,9%.

Tổng Giám đốc một ngân hàng lớn cho hay, nợ xấu tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan bởi tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Trong nước là những khó khăn của các doanh nghiệp vì nợ trái phiếu, thị trường bất động sản trầm lắng, khả năng sản xuất kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp khó.

 

Hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với "cơn bão" mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại. Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi. (Chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa)

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng vọt từ mức 2% hồi đầu năm lên mức 3,56% vào cuối tháng 7/2023, tương đương con số tuyệt đối hơn 440.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý, thì tỷ lệ nợ xấu toàn ngành lên tới 6,16%. "Nếu cập nhật tới 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt"- Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng lo ngại.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Theo TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tốc độ giảm của nợ xấu phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bình luận.

“Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm mạnh, hay nói cách khác, sự hồi phục của nền kinh tế tỷ lệ thuận với nợ xấu ngành ngân hàng. Kinh tế vẫn khó khăn và không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều. Trong khi đó, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều”- TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, dù con số nợ xấu tại báo cáo tài chính đang tăng lên, nhưng những con số ở báo cáo mới chỉ là "một nửa của sự thật". "Nợ xấu của các ngân hàng vì chưa hạch toán cả giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, mà nếu cộng cả vào sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi”- TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước khó khăn hiện nay khoản nợ cũ của các doanh nghiệp cho dù được cơ cấu nợ cũng khó trả được nợ. Do đó, tình hình nợ xấu của các ngân hàng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi triển vọng kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, NHNN rà soát, xem xét điều chỉnh Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phù hợp, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng trong giai đoạn khó khăn này có thêm nguồn lực để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế. Ở góc độ ngân hàng cần quản lý chặt chẽ cho vay các lĩnh vực rủi ro cao nhằm giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.

Trước sức ép về nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cũng tích cực bán các tài sản thế chấp để giảm áp lực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng không thuận lợi.

Bên cạnh đó, theo NHNN, thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Đặc biệt, việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

 

Xử lý nợ xấu cần gắn với tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Những ngân hàng yếu kém đã lộ diện và tạo rủi ro cho hệ thống nếu thiếu các giải pháp để xử lý triệt để. Cần giám sát chặt chẽ để chẩn đoán trường hợp có thêm những ngân hàng yếu kém bộc lộ tới đây.(Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu)