Nợ xấu, sức ép lớn của ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh những tháng đầu năm vừa được một số ngân hàng (NH) công bố cho thấy, lợi nhuận của các NH tương đối khả quan trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, sức cầu yếu. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là sức ép lớn đối với hệ thống NH Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Kết quả kinh doanh cải thiện

Theo thông tin từ NH Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 của NH này đạt 263 tỷ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đặc biệt, tín dụng của TPBank tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm (8,8%), trong đó, dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm. Huy động từ thị trường dân cư cũng tăng 4,5%. 
Khách hàng
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Baovietbank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Mới đây, Vietcombank cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước dự phòng của NH đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; huy động vốn từ nền kinh tế đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, dư nợ tín dụng tăng 6,63% so với đầu năm. Một số NH khác như BIDV, MB… cũng đạt lợi nhuận khả quan trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế vẫn yếu như hiện nay.
Đánh giá triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, 68 - 71% tổ chức tín dụng kỳ vọng xu hướng cải thiện sẽ diễn ra trong quý III/2014 và trong cả năm 2014. Trong khi đó, con số 5,3% tổ chức tín dụng vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng suy giảm tình hình kinh doanh trong cả năm 2014 so với năm 2013. Mức độ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ NH ở mức bình thường được hơn 60% tổ chức tín dụng nhận định. 

Nợ xấu vẫn là mối lo

Sau thời điểm 1/6/2014, khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực, nợ xấu hệ thống NH gia tăng là thực tế đã được báo trước. Nợ xấu tăng, NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận NH những tháng cuối năm.

Tại Vietcombank, sau khi tỷ lệ nợ xấu giảm về con số 2,65% vào cuối quý I/2014 từ mức 2,73% ở thời điểm cuối năm 2013, đến tháng 6/2014, tỷ lệ này lại gia tăng trở lại và chính thức vượt trên mốc 3%. Diễn biến này không quá bất ngờ với những dự báo trước về việc gia tăng nợ xấu do NH thực hiện các quy định mới về phân loại nợ.

Hiện, hoạt động của NH thương mại vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và DN Nhà nước. Hướng mua lại nợ xấu của các NH mà Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, nhưng chưa làm giảm được nợ quá hạn và chưa giải quyết triệt để nợ xấu sau khi bán, mà mới chỉ kéo giãn nợ.
 Lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.      Ảnh|: Thanh Hải
Lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thanh Hải
Đến nay, VAMC mới mua thêm được hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu từ 20 tổ chức tín dụng, nâng tổng nợ mua lên 50.000 tỷ đồng. Có thể thấy, tốc độ mua nợ đang chậm lại đáng kể khi mới đạt khoảng 25% so với năm trước và khả năng tốc độ mua sẽ tiếp tục chững lại trong quý III, quý IV này. Trong khi đó, NH phải "gánh" thêm khoản trích lập dự phòng rủi ro theo các quy định vừa có hiệu lực từ đầu tháng 6/2014. Điều này sẽ khiến các NH đau đầu khi cân đối các phương án kinh doanh làm sao để cán đích lợi nhuận trong khi cầu vẫn còn yếu.

Báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's nhận định, nợ xấu có thể làm giảm vốn hóa và lợi nhuận của các NH Việt Nam trong vòng 12 - 18 tháng tới. Bởi vậy, các NH thương mại cần có các biện pháp phòng thủ khi "cục máu đông" nợ xấu vẫn khó xử lý trong quý III, quý IV/2014. Một lộ trình rõ ràng cũng cần sớm được vạch rõ để thực hiện nhằm tránh tình hình xấu đi và có thể gây ra các tổn thất lớn hơn.
 
"Các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao về chất lượng tài sản do các doanh nghiệp khó có khả năng thanh toán nợ nần trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Nợ xấu ngày càng tăng cao có thể làm giảm đáng kể sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi lưu ý rằng, Chính phủ cần áp dụng thêm một số chuẩn mực nghiêm ngặt hơn để xử lý nợ xấu." - Ông Ivan Tan Chuyên viên phân tích tín dụng - Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P