Tác nhân hiếm muộn
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 cặp vợ chồng, có 1 cặp gặp khó khăn trong vấn đề sinh con, và hiện nay tỷ lệ này đã không dừng lại ở đây. Nguyên nhân có thể môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng, các loại dịch bệnh bùng phát, những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện với tỷ lệ cao; trẻ quan hệ tình dục sớm dẫn đến nạo phá thai tăng; nhịp độ cuộc sống gấp gáp gây áp lực công việc dẫn đến căng thẳng, stress... Tất cả yếu tố trên làm rối loạn khả năng sinh sản ở nữ giới, làm chất lượng tinh trùng của nam giới giảm sút dẫn đến bùng phát hiện tượng hiếm muộn - vô sinh.
Các tác nhân gây hiếm muộn - vô sinh ở nữ giới có thể kể đến như: viêm dính tử cung, tắc vòi trứng, không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều... Ngoài ra, phụ nữ tuổi càng cao, đặc biệt trên 35 tuổi, khả năng sinh sản càng giảm và tỷ lệ sẩy thai, lưu thai, tỷ lệ sinh con dị tật hoặc chậm phát triển trí tuệ càng tăng. Vô sinh nam cũng do không ít nguyên nhân như sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá…) với liều lượng cao, có tiền sử bệnh quai bị… và khoảng 5% vô sinh nam do bất thường về di truyền.
Một nguyên nhân khác cũng xuất hiện trong cuộc sống hiện nay là nhiều cặp vợ chồng liên tục tránh thai vì sợ sinh con. Tuy nhiên, theo các bác sỹ, đang trong tuổi sinh nở, ngưng sinh là không nên bởi về lâu dài khi lớn tuổi sinh con rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ vô sinh. Có trường hợp, vì quá toàn tâm cho công danh sự nghiệp, nên khi "đứng tuổi" mới nghĩ đến chuyện sinh con, nhưng lúc đó khả năng có con không còn, vì trứng rụng bất thường, nang noãn đã tắt. Làm thụ tinh ống nghiệm, các bác sĩ khoa hiếm muộn khẳng định khả năng có thai chỉ 10%.
Áp lực đè lên vai người phụ nữ
Theo nhiều số liệu thống kê, tỷ lệ hiếm muộn do vợ và chồng là tương đương nhau. Nguyên nhân do vợ chiếm 30 - 40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15 - 30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều người vẫn quan niệm nguyên nhân chính là do người vợ, mà mặc nhiên quên đi trách nhiệm của chồng. Khi ấy phụ nữ luôn là người đau đớn nhất.
Vợ chồng chị An lấy nhau đã 5 năm nhưng không thể có con. Hai vợ chồng đi khám bác sỹ được nghe kết luận: Vợ bình thường, chồng yếu sinh lý. Nhưng anh nói rằng mình cao to, lại khoẻ mạnh..., chẳng có lý gì lại "yếu sinh lý". Anh kiên quyết từ chối mọi phương thức điều trị của bác sỹ. Mặc cho chị khóc lóc, năn nỉ thế nào anh cũng không chịu chấp nhận. Cuộc sống vợ chồng chị từ chỗ đã bất hạnh vì không thể có con, càng mệt mỏi hơn do mâu thuẫn. Rồi từ chỗ không chấp nhận nguyên nhân do mình, anh sinh ra nghi ngờ, xét nét vợ...
Áp lực gia đình càng đè nặng thêm lên vai người phụ nữ không may mắn về đường con cái. Bởi không ít người rơi vào hoàn cảnh này không hề nhận được sự cảm thông, chỉ là những lời đay nghiến kểu như "cá rô đực", đồ "dừa điếc". Chị Hương (quận Cầu Giấy) kể, chị rất sợ phải về nhà, phải gặp mặt mẹ chồng, bởi bà luôn bóng gió: "Nếu không đẻ được thì buông tha cho chồng để nó đi kiếm cho tôi một mụn cháu. Chị phải biết rằng không đẻ được là có tội với tổ tiên? Sao số tôi nó khổ thế này". Hơn ai hết, chị biết rõ nguyên nhân không phải ở mình, nhưng biết nói sao.
Hiếm muộn là nỗi khổ không của riêng ai, nhất là đối với người phụ nữ. Vẫn biết những đứa con không chỉ là niềm vui mà còn là tương lai của cha mẹ, nên khó tránh khỏi sự sốt ruột, lo lắng của những cặp vợ chồng không có con. Nhưng sự hiểu biết, cảm thông sẽ làm vơi đi rất nhiều nỗi bất hạnh, để có thể tìm ra một hướng đi đúng nhất còn quan trọng hơn nhiều. Bởi theo một nghiên cứu, với những tiến bộ khoa học như hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng có con sau khi điều trị vô sinh có thể lên đến 75%, đó là tin vui.