Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nội các Ai Cập nhậm chức, thủ tướng thêm quyền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 7/12, Nội các của Thủ tướng Kamal El-Ganzouri đã tuyên thệ nhậm chức trước Nguyên soái Mohamed Hussein Tantawi, Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) đang nắm quyền điều hành tại Ai Cập.

Đây là nội các thứ hai của Ai Cập kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2/2011.

 

Trong nội các của ông El-Ganzouri, Bộ trưởng Ngoại giao của nội các cũ là ông Mohammed Kamel Amr được lưu nhiệm trong nội các mới, trong khi ông Mumtaz al-Said được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.

Chỉ vài giờ trước khi nội các mới tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng El-Ganzouri cũng đã bổ nhiệm cựu lãnh đạo ban giám đốc an ninh thuộc Bộ Nội vụ, Tướng Mohamed Ibrahim Yusuf, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

Trước đó, cùng ngày, CSFA đã ra sắc lệnh trao cho Thủ tướng El-Ganzouri quyền hành của một tổng thống trong hầu hết các lĩnh vực, trừ quốc phòng và tư pháp. Theo hãng thông tấn chính thức MENA, CSFA chuyển giao quyền hành của tổng thống cho Thủ tướng El-Ganzouri theo luật định, tuy nhiên CSFA vẫn chưa chuyển giao quyền hành trong các lĩnh vực quốc phòng và tư pháp.

 

Lên nắm quyền kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ, CSFA đang đứng trước sức ép nhanh chóng thực hiện chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự như đã cam kết.

 

Ông Kamal El-Ganzouri, người từng nắm giữ chức vụ Thủ tướng Ai Cập trong giai đoạn từ 1996 đến 1999 dưới thời cựu Tổng thống Mubarak, được CSFA bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Ai Cập ngày 25/11 vừa qua. Phát biểu trước báo giới ngày 6/12, Thủ tướng El-Ganzouri bày tỏ hy vọng sẽ được trao nhiều quyền lực hơn người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Essam Sharaf.

 

Trong một diễn biến khác, thông cáo báo chí của Đảng Tự do và Công lý (PLJ) thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo ngày 7/12 cho biết liên minh này giành được 36 trong tổng số 54 ghế, tương đương 66% tại cuộc bầu cử Hạ viện đợt hai diễn ra trong các ngày 5-6/12.

 

Trước đó, trong cuộc bầu cử Hạ viện đợt một ngày 28-29/11,các đảng Hồi giáo đã giành lợi thế áp đảo khi liên minh của tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được 32,5% số phiếu, tiếp đến là liên minh đảng Hồi giáo al-Nour giành được 20,7% số phiếu và đảng Wassat, đảng thứ ba của người Hồi giáo, giành được 12,9% phiếu. Đảng tự do Wafd chỉ giành được 14% phiếu.

 

Cuộc bầu cử trên, diễn ra ba đợt cho tới ngày 10/1/2012, là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi cựu Tổng thống Mubarak bị phế truất. Kết quả bầu cử cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 13/1 tới.

Sau cuộc bầu cử Hạ viện, cử tri Ai Cập cũng sẽ bầu chọn Hội đồng Shura (Thượng viện) và chia thành ba đợt, bắt đầu từ ngày 29/1 và kết thúc ngày 11/3/2012. Quốc hội khóa mới sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới để dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống vào trước cuối tháng 6/2012./.