Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến súng tự chế (phổ biến là súng bắn đạn hoa cải, súng bút…). Nguyên nhân gây án có thể bắt nguồn từ những lý do rất đơn giản trong cuộc sống… Một số vụ việc đã để lại hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. "Bực mình vì thái độ"…, dùng súng dạng colt đe dọa Đó là lý do Nguyễn Đức Hùng (24 tuổi, trú tại ngõ 345, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra để lý giải cho hành vi của cậu ta, tại Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, sáng 14/10. Theo lời khai của Hùng thì khẩu súng dạng Colt trên, Hùng nhặt được ở khu vực hồ Hai Bà Trưng (Hà Nội) sau một vụ đánh nhau, bên trong khẩu súng có khoảng 20 viên bi sắt. Trước đó, Hùng đã nhiều lần mang khẩu súng ra bắn thử vào các chai thủy tinh. Trong khoảng cách 10m, các chai đều bị vỡ nên Hùng biết rằng lực bắn của loại súng này rất mạnh và có khả năng sát thương rất cao… 22h ngày 13/10, sau bữa rượu hoan hỉ, Hùng cùng một số người bạn là Tâm, Phong rủ nhau về quán nước chè thuộc tổ 20, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Vào thời điểm này, trong quán có một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người đang ngồi uống nước. Theo lời Hùng thì trong nhóm có một thanh niên nhìn vào nhóm của Hùng và nói gì đó… Thời gian gần đây, Hùng luôn cảm thấy bất an, sợ xảy ra mâu thuẫn và xích mích nên đã quay về phòng trọ của Hiệp (Hiệp là bạn của Hùng thuê trọ ở gần quán nước) lấy khẩu súng đang giấu ở đó. Hùng đã dùng súng bắn anh Phạm Văn Hoàn (35 tuổi, ở 27 tổ 20, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) nhưng bị trượt. Sau khi gí súng vào đầu anh Hoàn, Hùng tiếp tục đe dọa anh Vũ Văn Hải ở tổ 20 B, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai và nói: "Mày đe dọa em tao à". Trước thái độ côn đồ của Hùng, anh Hải liền giải thích: "Em không biết anh là ai và không làm gì anh cả", thì Hùng đã gạt báng súng và nói: "Tao bắn mày chết". Anh Hoàn cùng nhân dân đã bắt Hùng, thu súng, chuyển Công an quận Hoàng Mai xử lý. Cá biệt, có ngày cùng lúc liên tiếp xảy ra hai vụ dùng súng giải quyết mâu thuẫn cá nhân như ngày 11/10. Vụ thứ nhất xảy ra tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên (Hà Nội). Khoảng 20h cùng ngày, anh Phan Văn Doanh (26 tuổi, ở Thụy An, Thái Thuỵ, Thái Bình), là bảo vệ khu đô thị Sài Đồng, làm nhiệm vụ phát hiện xe ôtô BKS 89K-7286 do anh Nguyễn Thành Công (30 tuổi, trú tại Đồng Giang, huyện Kim Thành, Hải Dương) điều khiển đi vào khu đô thị Sài Đồng. Theo đúng quy định, anh Doanh đã ngăn cản, không cho xe vào khu đô thị… Sau một hồi lời qua, tiếng lại Công đã gọi điện cho Nguyễn Thành Phúc (40 tuổi, trú tại Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi xe taxi lên gặp Doanh. Tại đây, Phúc điện cho một đối tượng đem súng đến đe dọa anh Doanh, trong đó có Trương Thế Ngọc (26 tuổi, ở tổ 11 - phường Sài Đồng). Lực lượng Công an cũng thu giữ 1 khẩu súng ngắn (dạng súng tự tạo), không có đạn. Vụ thứ hai xảy ra vào lúc 21h ngày 11/10, tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc nợ nần... Chế tài xử lý quá nhẹ? Theo báo cáo của Công an Hà Nội, chỉ sau 2 tháng triển khai, các tổ công tác đặc biệt của Công an TP đã bàn giao 472 trường hợp có dấu hiệu phạm tội cùng 366 tang vật gồm các loại vũ khí, "hàng nóng" cho tổ xử lý để phân loại, xác minh. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát Công an TP Hà Nội đã phát hiện rất nhiều vụ các đối tượng tàng trữ sử dụng súng (chủ yếu là là súng bắn đạn hoa cải). Điển hình như vào ngày 16/10, tổ tuần tra Đại đội đặc nhiệm 11 Trung đoàn Cảnh sát Cơ động - Công an TP Hà Nội do Thiếu tá Nguyễn Văn Khánh làm Tổ trưởng tuần tra đến ngã ba Nguyên Hồng - Thành Công, kiểm tra xe ôtô BKS 30K-2715, phát hiện các đối tượng tàng trữ 4 khẩu súng tự chế, gồm: 2 súng Col và 12 viên đạn, 1 khẩu súng tự chế bắn đạn ghém, 1 khẩu súng bắn điện. Các đối tượng tự khai là: Ngô Sỹ Thiệp (37 tuổi; ở phố Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội; có 2 tiền án); Trương Hồng Việt (22 tuổi, ở tổ 69, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nguyễn Mạnh Cường (21 tuổi, ở 116/191 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) và Phạm Bạch Vân (30 tuổi, nữ giới; thường trú tại quận Hai Bà Trưng). Thực tế các vụ việc bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua cho thấy, đối tượng tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn hoa cải, súng tự chế đều còn trẻ tuổi. Khi bị phát hiện, chúng đều khai nhận rằng chuẩn bị để phòng thân. Và trong trường hợp này, khi cơ quan Công an không chứng minh được mục đích phạm tội thì hình thức xử lý chỉ dừng lại ở phạt hành chính; Một số trường hợp khác thì chỉ khởi tố được về hành vi gây rối trật tự công cộng… Trong khi đó, mức độ sát thương của các loại súng bút, súng bắn đạn hoa cải, súng tự tạo là rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp có thể làm cho các nạn nhân tử vong. Thiếu chế tài xử lý là một trong nhiều nguyên nhân khiến các đối tượng "nhờn thuốc". Hiện nay, Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/12/2012. Trong pháp lệnh này, đã đưa các loại vũ khí tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, bắn đạn ghém vào danh mục quản lý như vũ khí quân dụng… Pháp lệnh này giúp lực lượng Công an có thể giải quyết được phần nào những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện. Nhưng trong thời gian pháp lệnh này có hiệu lực thì gánh nặng đối với lực lượng Công an là không đơn giản. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an cũng cần phải có sự tham gia tích cực của quần chúng, trong việc phát hiện, thu hồi vũ khí và vật liệu nổ.