Thực tế, loại hình bích họa không quá xa lạ với người Hà Nội. Trước đó, người ta đã nhắc đến những ngõ bích họa tại Ao Dài (Bắc Từ Liêm) với hàng trăm bức vẽ về cuộc sống, trẻ em, môi trường, hay xóm bích họa tại tập thể Học viện Phụ nữ T.Ư (phố Pháo Đài Láng, Đống Đa) với những hình ảnh cách điệu từ ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh, chim Lạc. Xa hơn, xét về bản chất, Con đường gốm sứ hình thành trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội cũng là một loại hình bích họa được thực hiện ở không gian mở, hướng tới cộng đồng. Thế nhưng, phố bích họa Phùng Hưng vẫn có một đặc điểm riêng: Mức độ đậm đặc của những hình ảnh về Hà Nội, hoặc là biểu trưng của Hà Nội trong ký ức.
Ở đoạn phố ấy, khán giả có thể gặp lại rất nhiều cảnh và người Hà Nội cũ – mà hiện đã gần như mai một trong nhịp sống hôm nay. Đó là cảnh những ông đồ ngồi cho chữ, là những chuyến tàu điện, là cửa hàng Bách hóa Tổng hợp trên phố Tràng Tiền, là những gánh hàng hoa ngày Tết… Thú vị hơn, một số bức bích họa đã được thiết kế theo không gian 3 chiều để tạo sự tương tác với người xem – nghĩa là có bóng dáng của một tác phẩm sắp đặt, chứ không dừng ở một bức “tranh tường” thông thường.Đặt gần chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đậu - khu vực trung tâm của Tết Nguyên đán với Hà Nội cũ, không có gì lạ khi gần 20 bức bích họa ấy lại khiến người xem hào hứng và trầm trồ. Bởi thực chất, bích họa cũng như các sản phẩm du lịch khác, chỉ có thể cuốn hút du khách khi kết nối với văn hóa bản địa, với vùng đất và con người nơi nó tồn tại. Và nó càng có giá trị hơn khi chạm tới những gì thuộc về lịch sử và ký ức.
Câu chuyện ấy cũng giống như trường hợp làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) từng rất thành công với những bức vẽ về cuộc sống, nhịp điệu sinh hoạt, hay chân dung của chính những con người tại một vùng quê nghèo ven biển miền Trung. Trong khi, chọn vẽ về những hoa anh đào, ngựa vằn, cá voi… một dự án tương tự tại làng chài Thanh Thủy (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại bị coi là xa lạ ngay với những người trong cuộc.Trở lại trường hợp của phố bích họa Phùng Hưng. Trong tương lai, đoạn phố ấy sẽ được kéo dài hơn – và không chỉ có bích họa – khi các vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới chân cầu Long Biên đã được lên kế hoạch tái thiết để trở thành không gian nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Cách “nối dài ký ức” bằng việc thay đổi công năng, phủ lên lớp áo thời gian những màu sắc mới để làm cầu nối giữa quá khứ với cuộc sống hiện tại vốn đã là ý tưởng được đưa ra với rất nhiều kiến trúc cũ của Hà Nội.Thực tế đã chứng minh việc xây dựng những công trình giả cổ là một cách làm vô nghĩa, còn những không gian văn hóa hiện đại mới xuất hiện trong vài năm gần đây thì vẫn phải cần thêm thời gian, để hội đủ sức hút văn hóa cho mình. Bởi tiền bạc có thể tạo ra mọi thứ, nhưng không thể lấp đầy khoảng trống về sự tồn tại theo thời gian, cũng như về lớp trầm tích văn hóa, lịch sử được hình thành từ những gì gắn với một ký ức xưa cũ.