Trẻ con, vốn là đối tượng dễ bị tổn thương bởi sự chia rẽ tình cảm gia đình, lại càng bị khoét sâu hơn nỗi đau khi chúng bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần.
Nỗi đau con trẻHình ảnh chằng chịt các vết tích bạo hành trên khuôn mặt, cơ thể bé trai 10 tuổi ở Hà Nội xảy ra mới đây khiến ai cũng xót xa, phẫn nộ. Không ai có thể hiểu nổi vì sao người cha đẻ lại nhẫn tâm bạo hành dã man đứa con ruột của mình. Vụ việc này chưa lắng xuống, dư luận lại tiếp tục “dậy sóng” bởi câu chuyện một đứa trẻ học lớp 4 bị cha “dạy dỗ” đến bầm dập khắp người. Đó là trường hợp bé T.D.N. bị bố đánh được chính mẹ đẻ cháu là chị Phạm Thị Liên, trú tại tổ Phúc Lý 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tố cáo với Công an Đông Anh. Cháu N. cũng cho biết, đã bị bố đánh nhiều lần bằng roi, dây điện, thậm chí có lần còn bị bố cầm dao dọa chém. Xót con và giận dữ vì cách nuôi dạy thiếu chuẩn mực của người chồng cũ, chị Liên đã gửi đơn tố cáo đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp răn đe, giáo dục người bố này.
Trước đó, dư luận cả nước từng bàng hoàng bởi nhiều vụ cha mẹ bạo hành con đẻ. Bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang bị cha ruột và mẹ kế bạo hành bằng cách dí thanh sắt nóng vào mặt làm cháu cháy sém cả da thịt. Cô giáo dạy mầm non ở Hà Nội đánh con riêng của chồng nhập viện. Cũng chịu hậu quả từ cha mẹ ly hôn, cách đây vài năm, dư luận từng phẫn nộ, bất bình và lên án hành vi bạo hành bởi người tình của mẹ đẻ đối với bé Kim Ngân (Bình Dương).
Vì hận thù, ích kỷ, nhiều ông bố, bà mẹ sau ly hôn đã cố tình tước đi quyền được chăm sóc, để con có được một gia đình (dù là khuyết thiếu). Và chúng bị đẩy đi từ bi kịch này đến bi kịch khác.
Ám ảnh vết thương lòngTrước những vụ việc bạo hành con trẻ ngày càng tăng, các chuyên gia tâm lý cảnh báo, ngoài các vết thương thể xác thì chấn thương tinh thần sẽ còn hằn sâu, lâu dài trong đời sống của trẻ. Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chia sẻ: Hậu quả của việc bạo hành để lại cho trẻ trước tiên là tổn thương về cơ thể. Những vết thương, đau đớn bầm tím, xây xát trên mặt mày, chân tay là biểu hiện ai cũng có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, tổn thương lâu dài và nặng nề hơn trong cuộc sống và sự phát triển của trẻ là tổn thương về tâm lý, hụt hẫng trong tâm hồn. Đây là tổn thương không biểu hiện rõ ràng nhưng nguy cơ về sau, ảnh hưởng lâu dài rất cao. Nghiêm trọng hơn là "vết thương” do bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương...
Không chỉ ở những vụ việc được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, ngay trong đời sống hàng ngày, từ những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình cũng dễ dàng nhận thấy, trẻ em luôn có nguy cơ cao trong việc hứng chịu thiệt thòi do cha mẹ chúng gây ra. Nhiều nhất vẫn là chuyện "cơm không lành, canh không ngọt” trong các gia đình.
Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng chia sẻ, khi còn nhỏ trẻ em bị bạo hành, lớn lên, các em sẽ thiếu tin tưởng vào mọi người cũng như xã hội, từ đó sống khép kín, mặc cảm, tự ti. Cũng có trường hợp sau này trẻ sẽ trở nên hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại, hoặc nghiêm trọng hơn, trở thành tội phạm vì thù ghét cuộc sống xã hội. Trong xã hội, đã từng có nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, khi đến tuổi kết hôn, các em sẽ bị chứng ám ảnh sợ lấy vợ, lấy chồng.
Sau những nỗi đau của con trẻ bởi sự ly hôn của bố mẹ, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, người lớn có thể kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng không kết thúc một gia đình. Đứa trẻ vẫn cần sự chăm sóc của cả bố và mẹ. Người lớn nên học cách yêu thương và chung tay chăm sóc con cái, có trách nhiệm với cuộc đời của mình và những người khác.