Tham dự hội thảo có PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), lãnh đạo huyện Hoài Đức và lãnh đạo Thành phố Hà Nội.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 25 tham luận của các nhà khoa học đến từ các cơ quan Trung ương như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Tôn giáo…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, sự kiện Lý Bí (503-548), lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương vào đầu năm 542 thu được thắng lợi to lớn - Dẫn đến việc xưng Đế, hiệu là Lý Nam Đế vào năm 544, đặt niên hiệu Thiên Đức, dựng nước Vạn Xuân, (lịch sử thường gọi là Vương triều Tiền Lý), tồn tại trong 60 năm (544-602), là một sự kiện vô cùng trọng đại trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Để khẳng định chủ quyền và nền độc lập mới giành lại được, Đức vua Lý Nam Đế quyết định lập kinh đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều, tổ chức bộ máy cai trị gồm hai ban văn võ...
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên của Việt Nam, đặt niên hiệu là Thiên Đức, với ý nghĩa: Người được trời ban đức lớn, được lựa chọn làm Hoàng đế phương Nam, có đức của bậc Thiên tử. Những điều đó nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập. Vạch rõ sơn hà, cương vực, là sự khẳng định dứt khoát nòi giống Việt phương Nam là một thực thể độc lập. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Nhà nước Vạn Xuân tồn tại từ năm 544, đến năm 602 thì bị nhà Tuỳ thôn tính.
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) nhấn mạnh, đến vai trò khai sinh Nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Trong lịch sử Việt Nam, việc nhà Tiền Lý đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ chứng tỏ ngay từ thế kỷ thứ VI (cụ thể là năm 544), Lý Nam Đế đã sớm nhận ra vị trí trung tâm của vùng đất Hà Nội xưa.
Trọng tâm của hội thảo được xác định là: “Dấu ấn của Đức Vua Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân tại huyện Hoài Đức”. Điều này được đề cập đến trong nhiều bản tham luận, trong đó đáng chú ý là tham luận của các tác giả TS. Lê Thuỳ Linh, TS. Ngô Vũ Hải Hằng, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Phan Thị Hoa Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa), Th.s Trần Thị Vân Anh (Phó Giám đốc Sở VHTTHà Nội).
Theo TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Giang Xá là đất dựng nghiệp của vua Lý Nam Đế. Trong bản “Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền” có đoạn viết: “Vua hội binh tại chùa Giang Xá, rồi tổ chức hành lễ tế trời đất, bách thần”. Điều đó khẳng định chùa Giang Xá (Bảo Phúc tự) không chỉ là nơi tu luyện, học hành và trưởng thành, mà còn là nơi tế cờ, kính cáo trời đất, bách thần, mở đầu của cuộc khởi nghĩa của Lý Bí.
Với tư cách là chủ nhân của hệ thống di tích lưu giữ dấu ấn của Đức Vua Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân, lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng đưa ra những định hướng quan trọng cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Đáng chú ý là từ rất nhiều năm qua, ba địa phương Tiên Phong - Phổ Yên (nơi sinh của Lý Nam Đế), Giang Xá - Hoài Đức (quê hương thứ hai và cũng là nơi Ngài dựng cờ khởi nghĩa) và Văn Lương – Tam Nông (nơi an táng Ngài) có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó, huyện Hoài Đức là nơi lưu giữ nhiều nhất dấu ấn liên quan đến Đức vua Lý Nam Đế và các tướng lĩnh của ngài.
Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã gửi tham luận đến hội thảo, bày tỏ sự ủng hộ, biểu dương huyện Hoài Đức khi chủ động xây dựng đề án và triển khai chuỗi hoạt động kỷ niệm 1.480 năm ngày Lý Bí xưng Đế và thành lập Nhà nước Vạn Xuân. Đồng thời Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong hy vọng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức khai thác tối đa nguồn lực từ quá khứ - nguồn lực truyền thống lịch sử, văn hoá vào thực tiễn cuộc sống - coi đó là động lực, là bệ đỡ tinh thần trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đem lại cho người dân cuộc sống an lành, thịnh vượng và hạnh phúc bền lâu.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội - Th.s Trần Thị Vân Anh cho biết, Hoài Đức là một trong những địa phương có nhiều loại hình di tích phụng thờ nhân vật lịch sử Lý Nam Đế - Lý Phục Man, có niên đại được xây dựng từ thời Lê, đặc biệt là thời Nguyễn. Để tạo chuyển biển về nhận thức và hành động trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích nói chung và đi tích phụng thờ nhân vật lịch sử Lý Nam Đế - Lý Phục Man trên địa bàn huyện Hoài Đức - Đặc biệt là việc hướng tới tổ chức lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Bí xưng Đế và thành lập Nhà nước Vạn Xuân, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, phát huy điểm đến là nhiệm vụ chiến lược. Đến nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, huyện Hoài Đức nói riêng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và khách thập phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh: Hội thảo đã giúp huyện hiểu rõ hơn về lịch sử của vùng đất Hoài Đức, về dấu tích và quá trình khởi nghĩa, khai sinh ra nước Vạn Xuân, về sự nghiệp của đức vua Lý Nam Đế. Qua đó thêm tự hào về truyền thống của quê hương. Kết quả hội thảo là tư liệu quan trọng để huyện tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào quê hương và phát huy các giá trị di sản văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện nhà.