Hàng chục năm đã trôi qua, dấu tích của nạn đói năm xưa, nay chỉ còn tìm thấy tại một địa chỉ nằm giữa Thủ đô.
Chưa bao giờ bị lãng quên
Lối đi nhỏ nối từ đường Kim Ngưu dẫn chúng tôi đến Khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945 tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Khu tưởng niệm nguyên thủy là Nghĩa trang Hợp Thiện. Dù là nơi chất chứa hàng ngàn sinh linh bị chết, nhưng nơi đây không khiến chúng tôi có cảm giác u ám, lạnh lẽo của một nghĩa trang. Nằm trong lòng phố thị, giữa những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, nhưng khu tưởng niệm dường như tách biệt với cuộc sống ồn ào, vội vã bên ngoài…
Đập vào mắt chúng tôi, ngay trên cánh cổng bước vào khu tưởng niệm là hai tấm bia đá lớn, khắc bài văn truy điệu “Đồng bào chết đói năm 1945” của GS Vũ Khiêu. Trong đó có đoạn: “Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…”. Những dòng văn điếu xúc động, gợi nhắc quá khứ đau thương trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam, khiến ai nấy cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.
Khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945 là chứng tích cuối cùng còn sót lại trên địa bàn toàn miền Bắc Việt Nam (từ Quảng Trị trở ra), sau nạn đói lịch sử năm 1944 - 1945. Theo lời kể của một số cụ ông, cụ bà hiện còn sinh sống tại khu vực phường Vĩnh Tuy, những năm 1945, người dân một số tỉnh, thành lân cận đổ về Hà Nội. Rất nhiều người trong số đó đã không qua được nạn đói hoành hành.
Người dân Hà Nội khi đó đã tự bảo nhau quy tập hài cốt của những người bị chết đói để đưa về chôn cất tại Nghĩa trang Hợp Thiện. Họ cùng nhau dựng lên một tấm bia lớn để tưởng nhớ. Đến nay, tấm bia lớn với dòng chữ nhắc nhớ ký ức đau thương “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tác và nạn đói năm 1945”, vẫn còn được lưu giữ.
Đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng của chứng tích lịch sử trên, tháng 9/2003, UBND TP Hà Nội đã có quyết định đầu tư cải tạo, xây dựng lại Nghĩa trang Hợp Thiện. Năm 2013, nghĩa trang tiếp tục được tôn tạo lại lần thứ 2, cũng từ nguồn vốn của TP. Năm 2005, Nghĩa trang Hợp Thiện được đổi tên thành “Khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945”, đồng thời được UBND TP Hà Nội cho gắn biển “Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến”.
Khu di tích hiện nay có bể mộ sâu 4m và rộng gần 40m2. Phần trên bể mộ có bức tường xây dựng lần đầu năm 1951; về sau được đắp mái, lợp ngói ống, cùng dòng chữ nổi được giữ nguyên nội dung “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945”. Theo một số nhân chứng lịch sử, từ những năm đầu của thập niên 90, bể hài cốt đồng bào vẫn còn nằm… lộ thiên.
Do đó, rất ít người ghé qua vì sợ! Sau hai lần tôn tạo, bể mộ được xây dựng kiên cố, chỉ bớt lại một lỗ thông Âm - Dương. Nhưng rồi mỗi khi trời mưa lớn, nước tràn vào gây tình trạng ô nhiễm nên về sau đã được bịt kín; chỉ để lại một lỗ thông rất nhỏ nơi góc khuất…
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Đỗ Phương Nga cho biết, trước đây, đường vào khu tưởng niệm rất khó đi. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trước, UBND quận Hai Bà Trưng đã thực hiên Dự án mở rộng đường vào khu tưởng niệm. Lối đi được mở tạo điều kiện thuận lợi cho khách thập phương ghé thăm, thắp nhang tưởng niệm các đồng bào. Đến nay, khu tưởng niệm rộng 158m2 vẫn được địa phương quản lý tương đối tốt.
Gác lại quá khứ đau thương
Ngày nay, Khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 vẫn được các cấp chính quyền và người dân Hà Nội trông nom, gìn giữ như một trong những chứng tích ghi dấu đau thương trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong số những người đã gắn bó với khu tưởng niệm từ ngày được xây dựng, phải nhắc tới ông Đặng Văn Tuyến (sinh năm 1952) - người đã nhận trông nom khu tưởng niệm suốt gần 15 năm qua.
Ông Tuyến quê ở Nam Định. Năm 1970, ông tham gia bộ đội, làm nhiệm vụ tại Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Đến năm 1981, ông chuyển về công tác tại Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu; đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Từ năm 1992, ông Tuyến đã được người dân tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 69 (nay là tổ 7D, phường Vĩnh Tuy). Hiện, ông vẫn đang là Phó Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận của địa bàn dân cư số 7 (phường Vĩnh Tuy).
Từ khoảng năm 2005, ông Tuyến đã nhận trông coi Nghĩa trang Hợp Thiện. Không ít người khi đó lấy làm ngạc nhiên, thậm chí còn cho rằng ông… “không bình thường”. Tuy nhiên, ông Tuyến bỏ ngoài tai tất cả những lời rèm pha. Ước nguyện, với ông rất giản đơn. “Đây là một thảm họa nhân đạo, là nỗi đau của toàn dân Việt Nam. Là thế hệ hậu sinh, nhìn cảnh tượng này, bản thân tôi cảm thấy rất đau lòng, nên mong muốn được đóng góp một phần công sức, hương hỏa mỗi ngày để vong linh các đồng bào sớm được siêu thoát…” - ông Tuyến bộc bạch.
Người đàn ông gần 70 tuổi cho hay, hầu như tháng nào cũng có đoàn ghé thăm khu tưởng niệm. Trong đó, có nhiều đoàn khách đến từ Nhật Bản. Họ là những người từng tham chiến ở Việt Nam, nhà sử học, nhà nghiên cứu, sinh viên, khách du lịch… Có khách đến đây vì từng nghe về tội ác do chính cha ông họ gây ra. Cũng có người đến vì tò mò. Nhưng dù là ai, đến đây vì lý do gì, thì tất thảy đều cúi đầu trước vong linh người đã khuất!
Trong cuốn lưu bút của du khách thập phương đến thăm khu tưởng niệm còn được cất giữ cẩn thận, hiện vẫn còn dấu bút của nhiều công dân Nhật Bản. Hầu hết đều cảm thấy nuối tiếc cho một thảm họa nhân đạo xảy ra trong quá khứ. Trong số những lời “ăn năn” đó, chúng tôi nhớ nhất những dòng chia sẻ của GS Ito Hasako đến từ Đại học Kyoto. Ông viết rằng: “Trong bài giảng của mình, tôi dạy về nạn đói Việt Nam; mong nhiều người Nhật biết đến sự kiện này và muốn đóng góp hòa bình thế giới”.
Không chỉ GS Ito, đây có lẽ cũng là ước nguyện của người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Để những đau thương, mất mát mà người dân Việt Nam phải hứng chịu trong nạn đói lịch sử cách đây 75 năm, sẽ không bao giờ lặp lại!