Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nơi hội tụ "tinh hoa" ngành chè Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Thái Nguyên thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất, nguồn nước phù hợp để phát triển cây chè.

Cùng với đó, nhờ đôi bàn tay khéo léo, những người dân Thái Nguyên đã tạo nên một sản phẩm trà phong phú về chủng loại có hương thơm, vị đượm, ngọt chát rất đặc trưng, khiến cho ngay cả người sành chè nhất và thị trường khó tính nhất cũng đều hài lòng. Tổng diện tích chè của toàn tỉnh gần 20.000ha (đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Lâm Đồng), trong đó có gần 17.000ha chè kinh doanh, năng suất đạt 109 tạ/ha, với sản lượng đạt khoảng 185.000 tấn/năm.

Thái Nguyên có nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng:

Vùng chè Tân Cương thuộc thành phố Thái Nguyên, bao gồm ba xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương, có tổng diện tích hơn 4.860ha. Chè Tân Cương có hương thơm tự nhiên, vị đượm, chát nhẹ, mầu nước vàng xanh, uống xong vị ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng thức.

 
Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
Chè Tân Cương đã được những người sành điệu rất ưa dùng và tôn vinh là "Ðệ nhất danh trà." Chè Tân Cương đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trên 100 năm nay. Chè Tân Cương là một trong năm sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.

Vùng chè La Bằng, huyện Đại Từ nằm sát chân núi Tam Đảo là vùng đất sản xuất chè ngon đặc biệt của Thái Nguyên, có trên 328ha diện tích trồng chè, năng suất bình quân 90tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng trên 3.000 tấn. Chất lượng chè La Bằng cũng ngang với các vùng chè nổi tiếng khác. Chè La Bằng đã có thương hiệu và luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi chè trong phạm vi tỉnh và toàn quốc. Hiện nay, La Bằng có khoảng 40 nghệ nhân chế biến chè nổi tiếng. 

Vùng chè Trại Cài nằm trên địa phận xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cũng đã nổi tiếng từ lâu bởi hương vị thơm ngon đặc biệt. Hiện nay, Trại Cài-Minh Lập có trên 460ha chè canh tác, chủ yếu giống chè trung du, năng suất bình quân đạt 95 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 4.200 tấn chè búp tươi/năm.

Vùng chè Khe Cốc thuộc xã Tức Tranh, huyện Phú Lương từ lâu đã nổi tiếng bởi độ nồng, đượm được trồng trên chất đất sạch kiềm và uống dòng nước trong mát từ các khe suối nguồn của con sông Cầu. Vùng chè Khe Cốc có trên 1.000ha với chất lượng chè hảo hạng, nên hiện nay Tức Tranh là xã có số làng nghề nhiều nhất tỉnh, toàn xã có tám làng nghề về chè đã được công nhận.

Ngoài bốn vùng chè trọng điểm, trên địa bàn Thái Nguyên cũng có nhiều vùng chè ngon, có tiếng với những hượng vị đặc trưng riêng như vùng chè Điềm Mặc, huyện Định Hóa; vùng chè Bắc Sơn, huyện Phổ Yên; vùng chè Tràng Xá, huyện Võ Nhai…

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện cho phát triển chè, đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè. 

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới và trồng lại gần 4.000ha chè, thay thế chè giống cũ bằng các giống chè chất lượng cao như LDP 1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... góp phần nâng cơ cấu chè giống mới so với tổng diện tích chè hiện có lên gần 50%.

Dự kiến đến năm 2020 diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 19.000ha. Trong đó, diện tích chè kinh doanh đạt 17.900ha (giống mới chiếm 60%); năng suất bình quân đạt 14 tấn búp tươi/ha, sản lượng đạt 250.000 tấn búp tươi.

Bên cạnh việc cải tạo, nâng cao chất lượng giống chè, tỉnh đã xây dựng 28 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích chè đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hơn 300ha.

Cùng với 34 cơ sở, doanh nghiệp chế biến chè công nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng được 84 làng nghề và 22 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đặc sản theo phương thức truyền thống. Do nhu cầu của thị trường hiện trên 80% sản lượng chè của Thái Nguyên được chế biến theo phương thức thủ công truyền thống. Tuy sản xuất công nghiệp không nhiều, chủ yếu là chè đen, chè xanh ướp hương liệu để xuất khẩu nhưng trong gần ba năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu chè của tỉnh đạt trên 30 triệu USD. 

Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước bết đến vớ các sản phẩm trà xanh đặc sản, trà xanh cao cấp ướp hương đóng gói, đóng hộp và trà đen.

Sản phẩm trà Thái Nguyên đã có mặt ở trên thị trường 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... Giá trị thu nhập trên diện tích đất trồng chè của nông dân Thái Nguyên đã đạt mức bình quân trên 80 triệu đồng/ha/năm.

Cây chè thực sự trở thành "cây làm giàu" cho nhiều người làm chè, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.