Nối lại đường bay chở khách nội địa: Đâu là phương án tối ưu?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch mở lại các đường bay chở khách nội địa đã và đang được Bộ GTVT gấp rút triển khai. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại nhiều địa phương, việc tìm ra phương án tối ưu vào lúc này không dễ.

“Chốt” phương án duy nhất
Kế hoạch nối lại đường bay chở khách nội địa đã được Bộ GTVT xây dựng từ lâu và hiện tại đã tương đối hoàn chỉnh. Mới đây nhất (ngày 25/9), trong bản dự thảo về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã “chốt” lại phương án duy nhất thay vì nhiều phương án lựa chọn như trước kia.

Theo đó, việc nối lại đường bay chở khách nội địa sẽ thực hiện thành 4 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 (trước đợt dịch thứ 4) và giãn cách ghế trên máy bay. Bộ GTVT tính toán, giai đoạn này kéo dài tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch.

Giai đoạn 2 tiếp nối sau giai đoạn 1 và kéo dài tối đa 10 ngày. Trong giai đoạn này, tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.
 Mở lại các đường bay sẽ giúp thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Ảnh: Công Hùng
Giai đoạn 3 tiếp nối sau giai đoạn 2 với tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.

Giai đoạn 4, còn gọi là giai đoạn trạng thái bình thường mới. Ở giai đoạn này, khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn, Bộ GTVT cho phép các hãng hàng không được khai thác trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đưa ra những quy định chi tiết về đường bay, chuyến bay và công tác phòng, chống dịch của tổ bay, hành khách. Theo đó, đối với đường bay chỉ có một chuyến mỗi ngày, các hãng hàng không vẫn được khai thác tần suất như vậy từ giai đoạn một và giãn cách ghế trên tàu bay. Tổ bay và nhân viên hàng không tham gia phục vụ chuyến bay cần được tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng Covid-19 ít nhất sau 14 ngày và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Đối với hành khách, khi đi, đến các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 15, Chị thị 19 cần đáp ứng nguyên tắc 5K, khai báo y tế và khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn quy định phòng dịch với hành khách đi lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách, Bộ GTVT sẽ ban hành kế hoạch vận tải hành khách, trong đó có mở đường bay nội địa.

Phải bàn bạc kỹ với các địa phương

Điều đáng chú ý, là trước khi “chốt” phương án duy nhất nối lại các đường bay chở khách nội địa như trên, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, UBND các tỉnh, TP xin ý kiến dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực vận tải trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là động thái được đánh giá là thận trọng cần thiết của Bộ GTVT trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương đang diễn biến không giống nhau. Đặc biệt, nhiều tỉnh, TP phía Nam, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đây là lý do một số địa phương vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đón nhận các chuyến bay chở khách nội địa vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các địa phương khác. Điển hình như Hà Nội, UBND TP đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị tiếp tục dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Nội Bài và tàu hỏa chở khách đến Hà Nội.

Trong văn bản trên, UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp; dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao. Do đó, để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến Sân bay quốc tế Nội Bài; chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Đây không phải lần đầu tiên các địa phương bày tỏ sự quan ngại trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào địa bàn từ những chuyến bay nội địa và đưa ra đề nghị dừng đường bay đến địa phương. Trước đó, vào giữa năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình... đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng các chuyến bay đi và đến địa phương này để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các địa phương thận trọng đối với việc nối lại các đường bay chở khách nội địa là cần thiết và dễ hiểu. “Đợt bùng phát thứ 4 vừa qua của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các địa phương có cái nhìn rất thận trọng. Đây cũng là lý do nhiều tỉnh, thành đã thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch rất nghiêm ngặt bởi hiểu rõ hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào nếu để dịch lây lan và bùng phát ở địa phương mình” - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Việc một số địa phương từ chối nối lại các chuyến bay nội địa đến địa bàn mà điển hình là TP Hà Nội vừa qua chính là lời nhắc nhở cho Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam. Đó là cần phải bàn bạc, thống nhất với các địa phương trước khi đưa ra phương án nối lại đường bay nội địa. “Lãnh đạo các tỉnh, thành hiểu rõ tình hình của địa phương mình nhất nên họ sẽ có đánh giá chuẩn xác về việc nên hay không nên mở lại đường bay” - chuyên gia Ngô Trí Long nhận định và cho biết thêm, việc lấy ý kiến các địa phương cần phải hiểu là phải có sự bàn bạc, thống nhất cụ thể, chi tiết với từng tỉnh, thành có sân bay chứ không phải chỉ là gửi văn bản lấy ý kiến góp ý cho có. “Đợt bùng phát vừa qua đã cho chúng ta thấy sức tàn phá khủng khiếp đến như thế nào của dịch bệnh. Bởi thế, dù lúc này việc nối lại các đường bay nội địa là rất cần thiết nhưng đảm bảo công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng, phương án tối ưu để nối lại các đường bay chở khách nội địa chính là vừa đảm bảo được sự nhất quán, vừa đảm bảo được sự linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Mục tiêu cao nhất vẫn là nối lại được các đường bay nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch.

"Điều quan trọng nhất là xây dựng được phương án phù hợp cho hàng không trở lại vào lúc này. Bởi đây là thời điểm rất nhạy cảm khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở nhiều nơi. Theo tôi, nên mở lại từng bước và từng địa phương căn cứ và tình hình kiểm soát dịch bệnh ở địa phương đó. Không nên mở lại toàn bộ sẽ rất khó kiểm soát." - Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần