70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗi lo cũ của doanh nghiệp nội cần giải quyết

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn, lãi suất, thương hiệu kém, khả năng cạnh tranh yếu nên doanh nghiệp (DN) lo mất thị phần trước DN FDI, vấn đề chính sách, hàng giả, sức ép hội nhập, nguy cơ bị thâu tóm… Đó là những nỗi lo được chia sẻ trong buổi gặp gỡ giữa giới DN trong nước với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vào ngày 7/3.

Lo thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu ngay trên sân nhà

Ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho hay: “Việc xây dựng năng lực cạnh tranh của DN trong nước trước hết phải từ chính bản thân DN, tuy nhiên rất cần sự chủ động hỗ trợ của các hiệp hội cũng như từ phía các cơ quan quản lý”.

“Có những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn luôn là nỗi lo thường trực của DN nội hiện nay. Trước hết là việc tiếp cận vốn và lãi suất. Việt Nam có nhiều DN nhỏ và vừa đang phải tiếp cận nguồn vốn khá cao so với các DN FDI. Điển hình như các DN nhựa trong nước đang đứng trước nỗi lo bị thâu tóm từ các DN nhựa nước ngoài vốn có lợi thế rất mạnh về vốn” - Ông Nguyễn Hoàng Ngân nêu rõ.
Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) có chung nỗi lo như các doanh nghiệp nội khác

Điều đó, khiến cho các DN vừa và nhỏ trong nước rất khó khăn để có thể mở rộng quy mô hoạt động cũng như tăng khả năng cạnh tranh với khối DN ngoại. Các ý kiến của DN với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả cũng là chuyện đáng báo động. Với những DN nội có sản phẩm uy tín, chất lượng, nỗi lo bị làm giả càng lớn, như: Công ty CP Nhựa Bình Minh xảy ra 2 vụ việc bị làm hàng giả trị giá nhiều tỷ đồng, được phát hiện từ lâu nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng khá chậm, chưa tạo ra sự răn đe cần thiết và làm yếu đi hiệu quả quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó, nó làm cho chính các DN bị thiệt hại không chỉ về uy tín, về vật chất mà còn làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng.

Ngoài ra, vấn đề chính sách cũng là điều mà các DN phản ánh. Mặc dù thừa nhận có nhiều sự tiến bộ từ việc ban hành các chính sách cởi mở hơn, nhưng nhiều DN cho rằng tính nhất quán, tính ổn định cũng như tính dễ dự báo của chính sách chưa theo kịp tình hình thực tế.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhựa TP Hồ Chí Minh: “Nhìn lại năm 2016 sẽ thấy số lượng DN thành lập mới có tăng nhưng năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu. Công nghệ sản xuất hạn chế, nên chỉ có khoảng 35% trong tổng số DN có đóng góp cho ngân sách”.

Ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op cho rằng: “Các DN nội muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, nhưng nếu yếu tố chuẩn hoá không đạt thì chắc chắn không bao giờ đứng chân được trong chuỗi cung ứng. Việc chuẩn hoá hệ thống quản trị, chuẩn hoá tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng là điều mà giới DN nội hết sức băn khoăn”.

Cần có chuẩn hàng hoá và thương hiệu để DN tham gia vào chuỗi giá trị

Ông Diệp Dũng cho rằng: “Cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền về chính sách tài chính cho DN, về chuẩn hoá sản phẩm cần đạt những chuẩn nào và đi vào chuỗi giá trị gì. Bởi vì sản phẩm không chuẩn hoá được thì dù DN nội có bỏ bao nhiêu tiền cũng không thể bước chân vào chuỗi giá trị”.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Ngân đề nghị: “Cần sớm xây dựng một quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để DN tuân thủ, đây cũng là cách xây dựng hàng rào bảo vệ thị trường trong nước. Ví dụ như nhiều mặt hàng kém chất lượng tràn lan vào Việt Nam như: đồ chơi trẻ em do cơ quan quản lý không có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Chính sự bất cập này vừa ảnh hưởng đến người tiêu dùng vừa gây bất lợi cho DN trong nước khi không thể cạnh tranh với hàng ngoại kém chất lượng”.

Là lãnh đạo DN có bề dày trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, bà Nguyễn Minh Hương – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Truyền thông Golden cho rằng: “Hiện nay, thương hiệu vẫn là điểm yếu của các DN nội địa. Trong thời hội nhập kinh tế, công nghệ phát triển như hiện nay, nếu các DN nội nắm được các yếu tố mạng xã hội thì sản phẩm sẽ tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn, bởi họ mới là người kiểm soát thông tin và thích các kết nối”.

“Việc xây dựng thương hiệu không thể dựa dẫm vào bất cứ ai ngoài nguồn lực của chính bản thân DN. Điều đó không có nghĩa là vai trò của hiệp hội lại đứng ngoài mà cần có những định hướng chiến lược thương hiệu cho từng ngành. Về phía chính quyền cũng cần tạo dựng được hệ sinh thái để các doanh nghiệp nội địa xây dựng thương hiệu cho riêng mình” - Bà Nguyễn Minh Hương nhấn mạnh.

Nhiều DN cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh để có thể lên công ty như hiện nay, mà TP Hồ Chí Minh đang đặt ra mục tiêu sẽ có được 500.000 DN vào năm 2020.

Con số thống kê cho thấy, TP Hồ Chí Minh hiện có 245.000 hộ cá thể đang kinh doanh, nhưng các hộ cá thể này chỉ đóng góp 2% vào ngân sách của TP. Qua khảo sát có đến 14.000 hộ kinh doanh cá thể có thể chuyển lên DN để góp phần cho TP Hồ Chí Minh đạt con số 500.000 DN vào năm 2020. Khả năng trong năm 2017 sẽ thành lập mới được 40.000 DN, chuyển thêm 20.000 hộ cá thể lên DN.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa giới DN trong nước với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Chính quyền TP tái khẳng định cam kết sẽ luôn đồng hành cùng DN, cùng tháo gỡ các khó khăn, rào cản đối với sự phát triển của DN, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các DN phát triển với nhận thức rằng sự phát triển thịnh vượng của DN cũng chính là sự phát triển của TP”.