Còn ông nội chỉ cười: “Trai mà chi, gái mà chi. Ở ăn có nghĩa có nghì là hơn!”. Bà nguýt dài ông, không nói gì nữa. Hai năm sau, 2 đứa cháu đều đến tuổi gửi nhà trẻ và vào lớp mẫu giáo. Bố mẹ cháu đều đi làm xa, cách nhà 7 – 8 cây số. Sáng sáng, chồng đèo vợ đến cơ quan, rồi lại vòng xe về chỗ mình làm việc. Vậy giải quyết việc đưa đón con như thế nào? Sau bữa cơm tối, chị Phượng ngỏ lời tỏ bày nỗi khó khăn của hai vợ chồng. Bà mẹ chồng nhăn mặt: “Tôi già rồi, đi lại lập cập, một thân một mình còn khó, vấp ngã luôn, làm sao đưa đón cháu được”. Nhưng ông Hưng, bố chồng chị lại cười khà khà: “Để đấy, cháu ông, ông lo cho. May mà nhà trẻ và lớp mẫu giáo ở gần nhau và cách nhà cũng không xa lắm, chỉ khoảng 300m. Ông cõng đứa bé, tay dắt đứa lớn, dung dăng dung dẻ cũng xong. Các con yên tâm đi làm”. Bà nguýt ông: “Còn lúc mưa gió, khi ông trở trời đau lưng, đau gối thì làm sao?”. Ông cười: “Thì tôi nhờ bà bạn hàng xóm đón cháu thay!”. - Này! Tôi không đồng ý nhé! Ông đừng có dây dưa với người ta! - Thế bà có chịu đưa đón cháu tôi khi tôi mệt mỏi không? - Thôi được, thay ông vài ba lần thì tôi cố… Cả nhà cùng cười vui. Chị Phượng như trút được gánh nặng trên vai: “Chúng con rất biết ơn ông bà, vì thương con thương cháu mà chịu vất vả thêm”. Ông Hưng cười khà khà: “Không thương con, thương cháu thì thương hàng xứ hay sao. Con người sống với nhau cần nhất là cái tình!”.