Cả xã 2 công trình nước đều hư hỏng
Con đường qua xã vùng biên Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mùa này bụi mù mịt. Anh Hồ Văn Vói (thôn Kỳ Tăng, xã Lìa) dựng vội chiếc xe máy, bê 2 can nước đưa vào nhà rồi vồn vã ra chào hỏi khi thấy cán bộ xã tới kiểm tra công trình cấp nước tự chảy.
Gọi là vậy nhưng bể chứa đã khô khốc nhiều năm nay. Toàn bộ công trình đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng khiến Vói cũng như các hộ dân lân cận phải tự xoay xở. Vói kể, xung quanh đây bà con phải sắm can nhựa để đi lấy nước từ các làng bên thuộc xã A Dơi về dùng.
Không thể chịu mãi cảnh thiếu nước, Vói cùng số hộ lân cận gom góp lại với nhau khoảng 18 triệu đồng để làm giếng khoan. “Dùng được một thời gian thì người nhà đau ốm, mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, thận. Lúc đó mới kiểm tra thì phát hiện nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên chỉ dám tắm giặt”, Vói cho biết.
Thế rồi, từ đó Vói cùng các hộ dân khác đành trở lại cảnh mỗi buổi sáng lại đi xe máy khoảng 7km để chở từng can nước về phục vụ ăn uống. Tuy vậy, nguồn nước mà Vói chở về cũng vẫn là nước chảy tự nhiên từ dòng suối đầu nguồn mà Vói tin rằng sạch hơn.
Không chỉ Vói mà hàng nghìn người dân ở địa bàn xã Lìa chung cảnh ngộ. Cả xã Lìa có 2 bể nước tự chảy nhưng xây dựng đã lâu, công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được.
Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa cho biết, toàn xã hiện có hơn 5.600 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm 67,72% dân số. Tuy nhiên, nguồn nước sạch là vấn đề đáng quang ngại trên địa bàn. Bởi nguồn nước giếng khoan bị nhiễm vôi nên nhiều người bị mắc bệnh về đường tiêu hóa nên người dân chỉ dám tắm giặt.
Để có nước ăn uống, người dân phải đi xin ở các xã lân cận, lên tận đầu nguồn suối để lấy hoặc mua nước đóng bình.
“Vào mùa hè, nước thật sự là vấn đề nan giải đối với người dân nơi đây. Hơn 50% dân số toàn xã chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi được thực hiện”, ông Thứ nói.
Không riêng gì xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đối với người dân miền núi, nhất là vào mùa khô hạn là thực trạng chung của nhiều xã ở vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có gần 19.000 hộ cần nước sạch để sử dụng.
“Khát” bên công trình nước tiền tỷ
Nằm ven Quốc lộ 1 là dự án Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) ngổn ngang và bỏ hoang nhiều năm nay. Để vào được khu vực dự án, chúng tôi men theo con đường đất đỏ trơn trượt.
Tường rào bao quanh dự án cũ kỹ và rêu xanh, bên trong cỏ, cây dại mọc kín. Nhiều hạng mục như bể lắng, bể lọc, bể chứa, nhà điều hành, trạm bơm cấp nước, nhà hóa chất… nằm trên khuôn viên rộng vài nghìn m2 chỉ mới xây dựng phần thô, rong rêu bám đầy.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh chia sẻ: Dự án hệ thống cấp nước Hải Chánh khi khởi công đã làm biết bao bà con địa phương phấn khởi. Bởi, theo dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho trên 1.800 hộ dân với khoảng 9.000 nhân khẩu đang sinh sống tại 6 thôn của xã Hải Chánh, xã Hải Sơn (huyện Hải Lăng) cùng một số vùng lân cận.
Thế nhưng, sau khi thi công một số hạng mục cơ bản, đến tháng 9/2015 công trình dừng lại cho đến nay. Do để hoang lâu ngày, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân tận dụng làm nơi nhốt trâu, bò.
Theo đó, dự án Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh có tổng mức đầu tư 30,8 tỉ đồng. Trong đó, sử dụng vốn viện trợ ODA của Chính phủ Italia hơn 8,2 tỉ đồng (cung cấp vật tư hàng hóa), vốn ngân sách đối ứng trong nước hơn 19 tỉ đồng, vốn góp của chủ đầu tư (Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị) và người dân hơn 3,4 tỉ đồng.
Công trình được khởi công từ tháng 6/2014, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015.
Sau khi hoàn thành xây dựng phần thô gồm các công trình thu và trạm bơm 1, các hạng mục dây chuyền xử lý nước… trị giá hơn 8,3 tỷ đồng thì dừng lại do chưa có vật tư, thiết bị lắp đặt. Lý do gián đoạn của dự án là hiệp định viện trợ đã hết thời hiệu, phải tiến hành đàm phán gia hạn.
Năm 2017, công trình tiếp tục bố trí đối ứng vốn ngân sách hơn 10,9 tỷ đồng, nhưng lần nữa do chậm trễ của gói thầu cung cấp vật tư dẫn đến không thể giải ngân theo kế hoạch. Cũng từ đó dự án bị dừng và hoang hóa cho đến nay.
“Hiện nay, chúng tôi chỉ biết vận động, khuyến khích người dân sử dụng các bể lọc tạm thời và mua máy lọc nước RO nhằm đảm bảo sức khỏe, bởi vì hầu hết nguồn nước lấy lên trực tiếp bị nhiễm phèn, nhiễm vôi. Về lâu dài, chúng tôi rất mong chờ cấp trên triển khai các giải pháp để hệ thống cấp nước sạch sớm đi vào hoạt động”, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh bày tỏ.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 124 công trình cấp nước tập trung. Trong đó có 61 công trình hệ bơm dẫn và 63 công trình cấp nước tự chảy được xây dựng chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và ĐaKrông. Tuy nhiên, chỉ có 36 công trình hoạt động bền vững, 50 công trình tương đối bền vững và 38 công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp và hoạt động kém.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, các công trình hoạt động kém hiệu quả là do ô nhiễm, cạn kiệt, suy thoái nguồn nước… đã ảnh hưởng đến tính bến vững của công trình và khó khăn trong đảm bảo chất lượng nước.
Trong khi đó, nguồn lực duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với công trình cấp nước nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó dẫn đến việc các công trình nhanh hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn.
Chưa kể, các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở khu vực miền núi chi phí đầu tư cao nhưng tính bền vững không cao khi thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai gây sạt lở, bồi lấp hư hỏng công trình. Việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế.
“Trước mắt, ngành và các cơ quan chức năng, địa phương tiến hành khảo sát, thống kê lại các công trình cấp nước trên khu vực địa bàn nông thôn của tỉnh để xác định mức độ, thực trạng để có giải pháp khắc phục, sửa chữa, nâng cấp kịp thời, đảm bảo cho các công trình hoạt động hiệu quả hơn. Về lâu dài, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh triển khai các dự án nhằm đảm bảo nguồn nước sạch nông thôn đạt theo tiêu chuẩn Quốc gia”, Hòe cho biết.