Nỗi lo mất an toàn đê hữu Hồng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đê hữu Hồng đi qua địa bàn Hà Nội có tổng chiều dài trên 114km, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai những năm gần đây đang đe dọa nghiêm trọng an toàn của hệ thống đê điều này.

Một điếm canh đê đang xuống cấp trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hạ tầng “dễ bị tổn thương”
Kết quả rà soát hiện trạng đê điều mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trên tuyến đê hữu Hồng có 10 đoạn đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Toàn tuyến đê đã trồng được gần 46km tre chắn sóng, nhưng chỉ có khoảng 30km phát triển tốt, có tác dụng chắn sóng khi có lũ cao, trong khi, gần 16km tre còn lại kích thước nhỏ hoặc đã chết.
Hiện, trên tuyến đê hữu Hồng có 11 dự án đang triển khai. Trong đó, có 4 dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ sông; 1 dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - Đường Thanh Niên và thay đổi kết cấu đê từ K62+500 đến K63+900 thuộc địa bàn hai quận: Tây Hồ và Ba Đình; 1 dự án xây dựng trạm bơm Thụy Phú II tại K101+589, huyện Phú Xuyên. Còn lại là các dự án duy tu, cải tạo đê điều. Một số dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2018, góp phần quan trọng nâng cao năng lực chống chịu với thiên tai của tuyến đê hữu Hồng.
Mạch đùn, mạch sủi thường xuất hiện dọc tuyến đê hữu Hồng khi có lũ từ báo động II trở lên. Hiện tượng thẩm lậu thường xảy ra ở mái, chân đê hạ lưu khi mực nước lũ lên mức báo động III tại 17 vị trí đê điều chạy qua các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên.

Điếm canh đê đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trong tổng số 108 điếm canh dọc tuyến đê hữu Hồng, có tới 61 điểm xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là gần 13km thuộc 14 tuyến đê bối hữu Hồng chưa được phân cấp, mặt cắt nhỏ hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão. Đáng chú ý, trên tuyến đê hữu Hồng hiện có 2 trong tổng số 3 vị trí đê điều trọng điểm của TP gồm: Đê kè Cổ Đô (huyện Ba Vì) và Cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Ngoài ra, còn có 6 vị trí đê điều xung yếu. Hạ tầng ngày một xuống cấp khiến trong năm 2017, trên tuyến đê hữu Hồng xảy ra tới 13 sự cố. Từ đầu năm 2018 đến nay, xuất hiện thêm 2 sự cố, đe dọa an toàn của hệ thống.

Tăng giám sát bảo vệ hạ tầng

Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, qua đánh giá hiện trạng, tuyến đê hữu Hồng vẫn đảm bảo khả năng chống lũ trong mực nước thiết kế. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cảnh báo: Trong bối cảnh thiên tai diễn biến bất thường hiện nay, khó có thể lường trước được những sự cố có thể xảy đến. Điều này còn nguy hiểm hơn khi hệ thống đê điều của Hà Nội nói chung, đê hữu Hồng nói riêng đã nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn.

Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống đê hữu Hồng đối với nhiệm vụ bảo vệ vùng Thủ đô, hàng chục dự án cải tạo, nâng cấp đã được TP phê duyệt.

Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, nhu cầu cũng như đòi hỏi cần phải nâng cấp hệ thống đê điều trên địa bàn TP vẫn rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách TP có những khó khăn nhất định, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị các sở, ngành, các địa phương phối hợp tổ chức di dời các công trình nhà ở, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi bảo vệ đê điều phù hợp với Luật Đê điều; Tổ chức cắm mốc chỉ giới thoát lũ làm cơ sở cho công tác quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Đối với các vị trí đê điều trọng điểm và xung yếu, cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Cùng với tiếp tục nâng cấp đường hành lang, dốc lên đê, gia cố mặt đê, tăng tải trọng thiết kế, ông Mỹ đề nghị Công an TP, Sở GTVT Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải phá hoại mặt đê đang rất nóng hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần