Nỗi lo nhà ở xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ đã có chính sách ưu đãi khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp.

KTĐT - Chính phủ đã có chính sách ưu đãi khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, khi những dự án đầu tiên dần hình thành, bên cạnh nỗi lo về chất lượng xây dựng còn nỗi lo về khâu phân phối ưu đãi có đúng đối tượng thụ hưởng.

Khó kiểm soát giá mua

Phiên họp thứ 25 của ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10 vừa qua đã "hâm nóng" lên nỗi lo về nguy cơ nhà ở xã hội xây cho người nghèo nhưng vào tay người giàu khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) và Luật Thuế thu nhập DN (đang trình QH) đã đưa thêm vào giải pháp ưu đãi thuế cho các DN tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho các đối tượng xã hội.

Cụ thể Luật Thuế VAT quy định thuế suất áp dụng đối với tất cả loại nhà ở 10% tuy nhiên để khuyến khích DN đầu tư xây nhà ở xã hội. Chính phủ đề nghị chỉ áp dụng thuế suất 5%.

Ngoài ra, mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp không phụ thuộc địa bàn đầu tư đều được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN (10% thay cho mức phổ biến 25% hiện hành) và được miễn thuế 4 năm, giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo.

Theo quy định của luật hiện hành, chỉ có dự án trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi ở mức này. Điều đáng lo là khi phân bổ ngân sách và xét đối tượng nằm trong diện ưu đãi thuế, có đúng đối tượng hay sẽ bị chính DN lợi dụng.

Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng có 3 yếu tố bất ổn của dự án luật:

Thứ nhất, do năng lực quản lý hiện nay còn hạn chế nên việc kiểm soát giá mua, bán nhà thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cho dù Nhà nước có áp dụng các chính sách ưu đãi trong đó có chính sách ưu đãi về thuế để DN hạ giá thành, chưa chắc giá bán, giá thuê sẽ giảm.

Thứ hai, việc căn cứ đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế suất giá trị gia tăng khác nhau (5% và 10%) rất phức tạp dễ bị DN lợi dụng để được hoàn thuế VAT.

Thứ ba, việc ưu đãi thuế thu nhập DN cho các dự án đầu tư mở rộng sẽ đem đến tình trạng ưu đãi dàn trải". Do đó, một số ĐBQH cho rằng nên chọn phương án hỗ trợ trực tiếp cho người dân thay vì qua khâu trung gian DN để tránh những khuất tất và biến tướng đáng tiếc.

Biến tướng trong khâu phân phối

Trong khi đó, cũng liên quan đến đối tượng thụ hưởng nhưng về phía người hướng dẫn dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị của Bộ Xây dựng vẫn đang gây những tranh cãi không ngớt.

Đây là thông tư cuối cùng trong số 6 thông tư liên quan đến lĩnh vực này và cũng là thông tư khiến cho các nhà quản lý “đau đầu” nhất. Bởi nếu làm không khéo sẽ dẫm lên những vết xe đổ mà trước đó Tp Hà Nội đã vấp phải.

Nhiều người cho rằng không những không đưa ra cách thức hợp lý, dự thảo thông tư này còn gợi nhớ đến thời bao cấp mấy chục năm về trước, khúc mắc lớn nhất là trao quyền phân phối cho ai và đối tượng thụ hưởng như thế nào.

Thậm chí nhiều chuyên gia đã bình luận rằng càng ngày chính sách phân phối nhà ở xã hội càng giống với cuộc bình xét hộ nghèo.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, dự thảo này đang đi theo hướng xây dựng một cơ chế nửa bao cấp về nhà ở trong cơ chế thị trường với những tính toán mang tính lý thuyết mà khi đưa vào thực tế sẽ chệch choạc.

Ví dụ như chúng ta giao cho chủ đầu tư - người đặt lợi nhuận của mình lên trên hết - phân phát ưu đãi của Nhà nước cho người thu nhập thấp, chắc chắn việc thực hiện sẽ bị biến tướng.

Điều này hoàn toàn trái với quy luật thị trường. Đó là chưa kể đến việc chủ đầu tư và người chịu trách nhiệm bên cơ quan quản lý xây dựng  “bắt tay” với nhau càng không thể kiểm soát được.

TS. Lê Duy Hiếu (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng vấn đề trở thành phức tạp, đau đầu, phải cân nhắc "ai cho, ai không", bởi "miếng bánh quá nhỏ” trong khi người có nhu cầu lại quá nhiều, cách tốt nhất có thể giải quyết triệt để vẫn là trả bài toán về cho thị trường.

Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết về chính sách, đưa giá BĐS xuống thấp, phù hợp với thu nhập của người dân, trong đó đặc biệt lưu ý tháo gỡ các rào cản hành chính đang làm chậm tiến độ dự án, gây tăng giá ảo, sốt ảo cho thị trường. Với năng lực quản lý và tài chính hiện nay, không thể tránh khỏi tái diễn tình trạng xin – cho, làm biến tướng một số chính sách tốt đẹp của Nhà nước.

Không hoàn toàn phản đối cách chấm điểm của Bộ Xây dựng nhưng theo nhiều chuyên gia, nếu xét trên tổng thể dự thảo có thể thấy hoàn toàn chưa ổn. Nhà nước nên nắm quỹ nhà ở thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập, không liên quan đến bên xây lẫn bên mua, để tránh được những nỗi lo “biến tướng” ở trên.

Ngoài ra, việc xét chọn người mua nhà phải bắt đầu từ những cấp nhỏ như cấp phường, cơ quan quản lý trực tiếp và phải hoàn toàn công khai cho người dân được biết.