Gia tăng rác thải nhựa, rác y tế
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, hàng quán đóng cửa nhằm hạn chế tụ tập đông người, người dân Hà Nội chuyển sang mua hàng về nhà hoặc mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Anh Hoàng Anh, người dân sống tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết, vì dịch bệnh bùng phát nên không ăn uống tụ tập bên ngoài nhưng thỉnh thoảng có mua đồ ăn từ cửa hàng. "Thông thường đi làm trên đường về, tôi tiện rẽ vào mua luôn nên thường chủ quán sẽ đựng đồ bằng hộp nhựa, túi nilon cho mang về. Nếu ngày nào cũng mua đồ đựng trong túi, hộp dùng một lần thì lượng rác xả ra sau sử dụng là vấn đề không nhỏ cho xử lý rác" - anh Hoàng Anh nói.
Mang câu chuyện này hỏi một chủ quán ăn trên phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, vị này cho biết, khách đến mua đồ ăn mang về nhiều nhưng ít ai mang hộp đựng của mình nên cửa hàng phải có hộp đựng cho khách. "Biết là không an toàn khi sử dụng đồ nhựa một lần đựng đồ ăn nhưng vì chiều theo nhu cầu của khách hàng nên không còn cách nào khác"- vị chủ quán ăn chia sẻ và cho biết thêm, dịch bệnh bùng phát mạnh nên hiện phần lớn khách đặt hàng online, cửa hàng lại phải tăng chi phí thêm cho túi, hộp đựng nhưng giá bán không đổi.Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần tiện lợi lại rẻ nhưng mặt trái lại tạo nên gánh nặng cho môi trường, bởi phần lớn các loại rác này lại không được tái chế, không thể tiêu hủy trong vài trăm năm. Bên cạnh đó, đại dịch Covid –19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt.Trên địa bàn Hà Nội, tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế… sử dụng khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ được coi là vật bất ly thân của các bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe. Song một thực tế không thể phủ nhận là khối lượng gia tăng của các loại rác thải này cũng là gánh nặng trong công tác xử lý.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số lượng rác thải nguy hại của khu sàng lọc và khu cách ly tập trung tại bệnh viện trung bình xấp xỉ 40kg/ngày. Các loại rác này đều được phân loại, phun khử khuẩn, dán nhãn và chuyển đến đến khu chứa rác thải nguy hại của bệnh viện. Sau đó công ty thu gom rác sẽ đến vận chuyển trong ngày, đảm bảo không để lưu trữ sang ngày hôm sau.Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồnLiên quan đến vấn đề xử lý rác thải, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong mùa dịch, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ đồ ăn sẵn và rác thải y tế tăng đột biến. Công ty đã đẩy mạnh tăng cường, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, đặc biệt, tại các khu cách ly tập trung, rác sẽ được thu gom theo quy trình đặc biệt, hướng dẫn người dân phân loại rác từ khu cách ly thành 2 loại: Rác thải sinh hoạt thông thường và rác thải có nguy cơ nghi nhiễm. Hiện công ty có 3 đơn vị chuyên về xử lý chất thải y tế và chất thải nguy hại, với tình hình dịch đang diễn ra, các đơn vị vẫn đáp ứng đủ về khối lượng và chất lượng trong việc xử lý rác thải.Chia sẻ về cách thức xử lý rác thải, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, thứ nhất, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, người dân phải thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác tại nguồn. Thứ hai, trong công tác vận chuyển có nguy cơ lây nhiễm đối với công nhân môi trường thu gom. Vì vậy, những công nhân này phải được trang bị các biện pháp an toàn. Đối tượng nữa cũng cần được quan tâm, bảo vệ, nhắc nhở tuyên truyền phòng, chống dịch là lực lượng thu gom đồng nát. “Tôi cho rằng, đối với hành vi vứt khẩu trang ra ngoài đường phải có chế tài mạnh hơn. Cùng với đó, trong giai đoạn dịch đang gay cấn như vậy, công ty môi trường nên có một hệ thống, bộ phận thu gom khẩu trang, những vật dụng y tế đã qua sử dụng của người dân. Như vậy, vô tình đã tạo nên phân loại tự nhiên tại nguồn, để đưa loại rác thải này đi xử lý như rải thác y tế được tích cực, hiệu quả hơn. Điều quan trọng, cần đẩy mạnh truyên truyền người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu phát sinh chất thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng khẩu trang vải” - GS.TS Đặng Kim Chi cho biết.
"Thời gian tới, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở xử lý chất thải; vận động, tuyên truyền người dân giảm thiểu phát sinh chất thải nói chung, trong đó có chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân sử dụng khẩu trang đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm góp phần giảm thiểu chất thải y tế phát sinh." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Thượng Hiền Với khoảng 80.000 tấn nhựa và túi nilon thải ra mỗi ngày tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019, Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa được cộng đồng hưởng ứng và đồng thuận thực hiện. Xét ở góc độ khác, đại dịch Covid-19 đang khiến những thành quả bước đầu của phong trào này đối mặt với vô vàn thách thức. |