Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo rác thải

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xưa tới nay, người ta thường sợ thiếu ăn, thiếu mặc chứ mấy ai lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì không có nơi đổ rác. Chỉ khi đơn vị ngừng việc thu gom, xử lý rác thải như ở Hà Nội trong hai ngày qua, người ta mới chợt nhận ra, vấn đề môi trường và xử lý rác thải vô cùng quan trọng.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, số rác thải sinh hoạt của người dân TP Hà Nội trung bình khoảng hơn 5.000 tấn/ngày. Thời gian qua, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận trung bình hơn 4.000 tấn rác/ngày theo hình thức chôn lấp, phát sinh lượng nước rỉ rác khoảng 2.800 - 3.000m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa); còn lại bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận xử lý khoảng trên 1.000 tấn rác theo hình thức đốt kết hợp chôn lấp.
Với lượng rác thải khổng lồ như vậy, việc bãi rác Nam Sơn (bãi rác lớn nhất Hà Nội) tạm dừng tiếp nhận rác từ ngày 2/11 để khẩn cấp đắp chặn bờ bao của hồ chứa nước thải, ứng phó sự cố chất thải, khiến các quận nội đô, rác thải sinh hoạt bị ùn ứ trên nhiều tuyến đường, góc phố, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân Thủ đô. Trước đó, vào đầu tháng 10, bãi rác Xuân Sơn (bãi rác lớn thứ 2) cũng đã phải dừng tiếp nhận rác thải do quá tải. Điều đáng bàn là sự cố về rác này không phải lần đầu tiên xảy ra ở Hà Nội mà đã kéo dài nhiều năm với những thời điểm nhất định, dù cơ quan chức năng, chính quyền Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp dự phòng, cấp bách, dài hơi.

Nguyên nhân một phần do lượng rác sinh hoạt không ngừng tăng bởi sức nóng của đô thị hóa, lượng người đổ về Hà Nội an cư ngày một nhiều, trong khi hệ thống hạ tầng xử lý rác lại chưa đáp ứng. Trong khi đó, những dự án xử lý chất thải theo hướng hiện đại, biến rác thành tài nguyên của TP được coi là “cứu cánh” cho vấn nạn trên triển khai ì ạch.

Hiện nay, tất cả rác thải đều được người dân gom vào một chỗ và để xe rác đến chở đi; nhiều loại rác có thể tái chế vẫn đổ ra khu xử lý để chôn lấp, gây lãng phí. Bởi vậy, mong rằng, Hà Nội sẽ là TP đi đầu trong thực hiện phân loại rác tại nguồn, rác thải có thể tái chế sẽ được chuyển thẳng qua nhà máy tái chế, từ đó làm giảm gánh nặng cho các khu vực xử lý rác thải. Đồng thời, các cấp chính quyền TP cần quyết liệt hơn nữa với các dự án xử lý rác chậm tiến độ. Theo đó kiên quyết thay thế những đơn vị không đảm bảo năng lực, để những dự án xử lý rác hiện đại sớm đi vào hoạt động, không còn tình trạng ùn ứ rác thải, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.