Nỗi lo rượu giả

Chia sẻ Zalo

KTĐT Thời điểm Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh, điều này khiến số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn nhưng tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp.

Khó phân biệt

Liên tục trong thời gian gần đây, Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã khám phá nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu giả với số lượng lớn. 

Nỗi lo rượu giả - Ảnh 1
Quản lý thị trường hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt rượu thật - giả tại hội chợ khuyến mại 2012.Ảnh: Hoài Nam

Ngày 26/12, đội QLTT số 12 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát, rượu Thiên Long tại xã La Phù, huyện Hoài Đức đã phát hiện cơ sở này đang sản xuất nước giải khát có gas, rượu sâm - panh thủ công và sử dụng nguyên liệu phụ gia thực phẩm, đường hóa học, cồn công nghiệp không nằm trong danh mục được sử dụng chế biến thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã thu 5.000 chai rượu, gồm vang đào, nếp mới, vang nổ, chanh, Champagne Thiên Long…

 Trước đó, Đội QLTT số 11 đã phát hiện cơ sở làm rượu vang giả với quy mô lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ. Qua kiểm tra, đã thu giữ hơn 10.000 chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn phát hịên một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang nhập ngoại, tem chống hàng giả. Các đối tượng sản xuất rượu giả khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt, vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác các thương hiệu đang bán chạy trên thị trường. 

Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Những cơ sở sản xuất rượu giả thường sử dụng thủ đoạn giả mẫu mã và chất lượng bằng cách lấy rượu rẻ tiền, đóng chai dán nhãn mác các loại rượu có uy tín. Tuy nhiên, phức tạp nhất hiện nay là vấn đề tem giả được sản xuất rất tinh vi (phần lớn được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch) rất khó phân biệt bằng mắt thường. Các cơ quan chức năng muốn phân biệt được đâu là tem thật, giả phải thông qua cơ quan giám định...

Đồng bộ các giải pháp

Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán rượu giả, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm soát thị trường thì rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp sản xuất trong việc thẩm định chất lượng rượu. 

Ông Lưu Đức Thanh, Phó trưởng Phòng thực thi và giải quyết khiếu nại tố cáo (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng: Muốn chống hàng giả thì trước hết cần phải có hàng thật. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất rượu trong nước cần đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình. Khi đó, hàng nhái, hàng giả sẽ khó xâm nhập.

Qua thực tế đấu tranh cho thấy, hàng giả và rượu giả không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, tại những khu vực giáp ranh với biên giới Việt Nam nên xử lý rất khó khăn. 

Các cấp chính quyền cần tổ chức tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng mua hàng tại các đại lý, nhà phân phối chính hãng hoặc siêu thị, cửa hàng có uy tín, có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sản xuất... Điều này không chỉ để bảo vệ quyền lợi, mà còn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong những ngày Tết.

 
Nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ rượu giả, từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT Hà Nội không chỉ kiểm tra các tuyến phố thương mại, chuyên doanh về mặt hàng thuốc lá, rượu... mà còn kiểm tra các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại và dịch vụ có dấu hiệu vi phạm. Với những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng giả, mức xử phạt có thể lên đến 100 triệu đồng theo Nghị định 08/2013/NĐ-CP.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần