70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗi lo tai nạn từ gia súc thả rông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trâu bò thả rông tại ngã tư đường Vực Dê, huyện Đông Anh.

Trong quá trình phát triển đô thị, những tuyến đường được mở rộng ngày một khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, một tình trạng đáng báo động cũng đang diễn ra trên những tuyến đường - quốc lộ, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, đó là việc gia súc (chủ yếu là trâu, bò) được chăn thả rất tùy tiện. Không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn đe dọa tới sự an nguy của người điều khiển phương tiện. 

Tai nạn rình rập

Đường Vực Dê (hay còn gọi là đường 6km) nối QL3 với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, trung bình mỗi ngày có hàng vạn lượt người và phương tiện qua lại. Trong đó, phần lớn là người lao động, tiểu thương từ các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (TP Hà Nội) và tỉnh Vĩnh Phúc đi theo hướng QL3, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để sang nội đô làm việc, buôn bán. Nhưng thời gian gần đây, trên tuyến giao thông này xuất hiện tình trạng trâu, bò đi lại nghênh ngang trên đường. Vào thời điểm chiều tối, có lúc lên tới cả chục con, lúc đứng - khi nằm, chiếm hết lòng đường, gây cản trở việc đi lại của người dân. 
 
Trâu bò thả rông tại ngã tư đường Vực Dê, huyện Đông Anh.
Kinhtedothi - Trâu bò thả rông tại ngã tư đường Vực Dê, huyện Đông Anh.
Không chỉ ở đường Vực Dê, tại các trục đường khác như QL32 (đoạn qua thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì) hay QL21B (đoạn qua huyện Thanh Oai), đều xuất hiện tình trạng trâu, bò được chăn thả tràn lan, không được quản lý. Trâu, bò tung tăng gặm cỏ ven đường, rồi "vô tư" băng qua đường tìm đến nơi có nhiều thức ăn hơn. Thậm chí, Đại lộ Thăng Long, tuyến đường hiện đại bậc nhất Thủ đô, việc trâu bò thản nhiên bách bộ dưới lòng hai bên đường gom dân sinh, nhất là tại khu vực các khu đô thị đang xây dựng dở dang như An Khánh, Splendora (huyện Hoài Đức) hay Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai)… cũng không phải là hình ảnh hiếm gặp.  

Nguy hiểm hơn, có rất nhiều trường hợp khi các chủ phương tiện di chuyển gần tới nơi thì bất ngờ có trâu, bò chạy tạt ngang đường. Không ít vụ va chạm đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện di chuyển với tốc độ cao và không kịp xoay xở. 

Phải tự bảo vệ mình

Việc gia súc di chuyển trên các tuyến đường tỉnh, QL gây bất an cho những người tham gia giao thông bởi người nông dân đôi khi không nhận thức được hết mối nguy hiểm của hành động chăn thả thiếu kiểm soát, trong khi, việc xử phạt "sự thờ ơ đáng trách" này lại không dễ.  

Điều 10, Nghị định 171/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có đề cập chi tiết tới việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với mức phạt cao nhất chỉ có 120.000 đồng. Tuy nhiên, theo Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội phó Đội Tuyên truyền - khám nghiệm (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), việc xử phạt các trường hợp vi phạm này là không dễ, do đa phần người chăn thả trâu, bò không mang theo giấy tờ tùy thân, tiền mặt, và nhìn chung điều kiện kinh tế rất khó khăn(!). Trên thực tế, số lượng các vụ va chạm có liên quan tới gia súc được xử lý theo luật rất hiếm. Bởi thế, người tham gia giao thông trong hoàn cảnh này đều phải tự bảo vệ mình bằng cách chú ý quan sát hơn trước.  

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung nhiều hơn vào việc bố trí, lắp đặt thêm các biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực thường xuyên có sự qua lại của gia súc để người điều khiển phương tiện nhận biết các nguy cơ có thể xảy ra. Đặc biệt, cần nghiêm cấm việc chăn thả gia súc trên những tuyến quốc lộ có mật độ phương tiện lưu thông lớn.     

Thời điểm cuối năm, nếu tình trạng gia súc thả rông không được kiểm soát sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây là việc làm cần thiết, hướng tới việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người chăn thả gia súc đối với vấn đề ATGT, góp phần mang tới sự bình yên cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.

  
Thực tế, mức phạt đối với các vi phạm liên quan tới việc chăn thả gia súc hiện nay là khá thấp so với những nguy cơ mà hành vi này có thể gây ra. Không chỉ thiếu sức răn đe đối với người vi phạm, điều này còn khiến các cơ quan chức năng không thật sự "tập trung" vào xử lý. Chính vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người chăn thả gia súc, việc tăng chế tài xử phạt là biện pháp cần được tính đến.    

Thạc sĩ Phan Đăng Hải - Giảng viên bộ môn luật (Học viện Ngân hàng)