Nỗi lo thiểu phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng thấp, tháng 2 còn tăng thấp hơn và tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước đã khiến CPI 3 tháng đầu năm tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay.

Tăng thấp hiếm thấy

CPI 3 tháng đầu năm 2014 tăng 3,26% (chỉ bằng khoảng 1/3 so với CPI bình quân 3 tháng từ năm 2002 - 2013). Điều đáng lưu ý là giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thường có nhu cầu lớn trong dịp Tết Nguyên đán trong nhiều năm trước, nhưng Tết này chỉ tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm. CPI của Hà Nội tăng thấp: Tháng 3 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 1,03% so với tháng 12/2013. Trong đó có 2 nhóm giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,22%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%, chủ yếu do giá thực phẩm giảm 0,58%.
Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall.        Ảnh: Phương Nhật
Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall. Ảnh: Phương Nhật
Việc tăng thấp hiếm thấy của CPI trong 3 tháng đầu năm đã khiến không ít chuyên gia nghĩ đến khả năng CPI năm nay sẽ lặp lại diễn biến của 2 năm trước. Tính chung cả năm, CPI có thể sẽ thấp hơn mục tiêu tăng 7%, thậm chí còn thấp hơn cả năm trước (6,04%) và đây là năm thứ ba liên tiếp tăng thấp. Đó là tin vui đối với một số chủ thể trên thị trường, nhất là những người tiêu dùng, đặc biệt là những người nghèo, người có thu nhập thấp...

Các con số thống kê cho thấy, chỉ số CPI trong thời gian từ tháng 3 - 7 các năm 2012 và năm 2013 đều tăng thấp (mức tăng lần lượt là 0,16%/tháng và 0,09%/tháng). Điều này cho thấy, “nhịp độ lạm phát đang có vấn đề”, và phần nào thể hiện động thái "kiềm chế" đến mức gần như thiểu phát trong những tháng này, không đúng với tư duy "kiểm soát" lạm phát. Lạm phát tác động đến nhịp độ đầu tư, nhịp độ tăng trưởng tín dụng. Khi tín dụng tăng thấp, lại thêm các điểm nghẽn cũ (nợ xấu, tồn kho cao, bất động sản chưa thoát đáy vượt dốc đi lên) khắc phục chưa được bao nhiêu, đã làm cho số doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng lên một cách không bình thường (năm 2013 có 60.700 DN, 2 tháng đầu năm 2014 đã có 13.000 DN).Khi CPI tăng thấp, những DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ dễ đề nghị tăng giá theo lộ trình giá thị trường. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường là cần thiết và đúng hướng, nhưng do chưa có sự cạnh tranh, việc giám sát kiểm tra của các cơ quan Nhà nước chưa tốt dễ dẫn đến các DN lạm dụng độc quyền. Điều đó vừa tác động đến tổng cầu - vốn đã yếu lại càng yếu hơn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng và lạm phát.

Vẫn chịu tác động bởi sức mua yếu

Diễn biến trong 3 tháng đầu năm của CPI và cảnh báo về khả năng CPI sẽ lặp lại 3 năm trước xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có 3 nhóm đáng lưu ý.

Nhóm yếu tố trực tiếp nhất tác động đến lạm phát là yếu tố tiền tệ - tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng, sau mấy năm tăng thấp, mặc dù 2 tháng cuối năm 2013 tăng khá cao (tăng tới 5,04%, bằng 40,3% tốc độ tăng của cả năm), nhưng có một phần là do đầu tư vào trái phiếu Chính phủ; một phần được quay lại làm tăng tiền gửi (với tốc độ tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng dư nợ tín dụng); có một phần được Ngân hàng Nhà nước hút ròng qua nghiệp vụ thị trường mở; một phần đã được "lái" vào thị trường chứng khoán (giá trị giao dịch bùng nổ với hơn 3.000 tỷ đồng, có ngày lên đến gần 5.500 tỷ đồng); "lái" vào thị trường vàng, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Sau 2 tháng năm 2014, tăng trưởng tín dụng lại mang dấu âm  (- 1,05%).

Bên cạnh đó, tổng cầu vẫn tiếp tục còn yếu. Đầu tư đầu năm theo thông lệ lâu nay thường chậm, nhất là đối với khu vực kinh tế Nhà nước, kể cả nguồn từ ngân sách Nhà nước (2 tháng đầu năm mới đạt 11,6% kế hoạch cả năm, trong đó một số bộ, ngành còn đạt thấp hơn) và giảm so với cùng kỳ năm trước (2  tháng giảm 1,2%, nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm sâu hơn nữa). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tuy tăng khá hơn các năm gần đây, nhưng vẫn thấp, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng từ năm 2010 trở về trước. Nguyên nhân chủ yếu do người nghèo, người thu nhập thấp, nhất là những người có liên quan đến lao động ở các DN bị phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh, một bộ phận người dân vẫn tiếp tục "thắt lưng buộc bụng".

Một nhóm yếu tố khác có liên quan đến chi phí đẩy. Giá hàng nhập khẩu tính bằng USD năm 2013 giảm 2,36%, sang đầu năm 2014 tiếp tục giảm; tỷ giá VND/USD năm 2013 bình quân tăng thấp (0,62%), 2 tháng 2014 tăng nhẹ. Do vậy, giá nhập khẩu tính bằng VND tiếp tục giảm. Tuy nhiên, cần phải tính đến tình trạng "thừa tiền" ở các ngân hàng, trong khi nhiều DN thiếu vốn hoạt động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến công văn việc làm của người lao động.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần