Cho trẻ tiếp cận tiếng Anh càng sớm càng tốt?
Sinh con thứ 2 được 9 tháng, vợ chồng chị Hải Linh, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội quyết định cho con đi học mầm non. Chị đã chọn được 1 trường cách nhà tầm 1 km với cơ sở vật chất đẹp và chương trình rất ưu việt. Qua nhiều kênh thông tin, chị hoàn toàn ưng ý với ngôi trường này, nhất là việc con được tiếp cận hoàn toàn với người nước ngoài. Chấp nhận bỏ mức phí hơn 10 triệu đồng/ 1 tháng, đổi lại con được ăn ngon, ngủ ngoan lại được “tắm” tiếng Anh sớm như vậy, chị Hải Linh thấy xứng đáng.
Tuy nhiên, khi con ở tuổi lên 3, chị Hải Linh bắt đầu lo lắng và suy nghĩ nghiêm túc bởi con… ngại nói tiếng Việt, thường sử dụng tiếng Anh kể cả khi nói với ông bà, cha mẹ. Con lên 4, 5 tuổi, tình trạng này không giảm, thậm chí còn nặng hơn dù vợ chồng chị đã rất cố gắng nói chuyện với con hàng ngày.
Tương tự như vậy, chị Huệ Mai, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho con học trường mẫu giáo quốc tế lúc con được 13 tháng. Thời gian đầu, chị thấy ổn, con nói tiếng Anh như người bản ngữ nên nghe rất đáng yêu. “Cả vợ chồng mình đều “chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết”, nghe con nói tiếng Anh dù không hiểu gì cũng cảm thấy rất thích và hãnh diện”. Tuy thế, niềm vui đó dần biến thành nỗi lo khi con được 4 tuổi vẫn chỉ thích nói tiếng Anh. Câu từ nào nói tiếng Việt khó phát âm là con nói tiếng Anh ngay làm bố mẹ nghe không hiểu. Vậy là, ngoài giờ đi học chính chị Huệ Mai lại cho con ở lại học 2 tiếng để học tiếng Việt với cô giáo. “Cô hiểu cả tiếng Anh và Tiếng Việt nên kèm con sẽ tiện và hiệu quả hơn, bố mẹ không biết tiếng Anh, vì vậy khó hỗ trợ con”- chị Huệ Mai giải thích lý do vì sao cần cô giáo dạy tiếng Việt cho con và tự nhận rằng, con mình rơi vào tình trạng bị “loạn ngôn”, có thể do học tiếng Anh từ quá sớm.
Theo phụ huynh Trịnh Phương Linh, quận Hà Đông, Hà Nội- mẹ của cô con gái học tiếng Anh sớm rất thành công thì, nên cho trẻ tiếp cận tiếng Anh từ khoảng 3 tuổi- khi bé đã biết và sõi tiếng Việt. “Mình cho bé nghe tiếng Anh khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày. Tiếng Anh sẽ thẩm thấu tự nhiên, từ nghe phát âm- nói bắt chước, sau dần con phát âm, nghe, đọc rất tốt, rất chuẩn và chủ động”- chị Linh chia sẻ.
Cha mẹ nên xác định mục tiêu rõ ràng cho trẻ
Tuy nhiên, thầy Trần Minh Hoàng, TS Đại học Quốc Gia Hà Nội, tác giả bộ sách về Làm chủ tiếng Anh từ gốc thì: Tuổi chỉ là một trong số các yếu tố tác động lên chất lượng học tập của người học bên cạnh các yếu tố khác như môi trường, mục tiêu, động lực, chất lượng giảng dạy... Chính vì vậy sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng về việc “tuổi nào bắt đầu học tốt nhất”.
“Về mặt nhận thức ngôn ngữ thì học sớm sẽ tốt hơn, thậm chí học ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Bản chất là hướng thái độ cha mẹ về việc đồng hành, chăm lo sự học cho con. Theo các nghiên cứu khoa học thì 2- 4 tuổi có thể xem là “cơ hội vàng” để trẻ học 1 ngôn ngữ thành tiếng mẹ đẻ. Nhưng giai đoạn này mà đưa ngôn ngữ thứ 2 vào một cách “mạnh mẽ” thì khả năng rối loạn ngôn ngữ sẽ cao”- TS Trần Minh Hoàng bày tỏ.
Về việc cho trẻ học và tiếp cận tiếng Anh sớm có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, TS Trần Minh Hoàng cho biết: “Vấn đề này có thể nguyên nhân gốc là do mục tiêu bố mẹ đặt ra không rõ ràng từ đầu. Cần xác định ưu tiên ngôn ngữ nào hơn rồi mới chọn cách tiếp cận. Thường bố mẹ muốn con ngôn ngữ nào cũng giỏi, tiếng Anh và Tiếng Việt đều tốt như nhau sẽ dễ rối loạn ngôn ngữ. Trẻ thì chỉ xem ngôn ngữ là công cụ giao tiếp nên tiện thứ tiếng nào là nói bằng tiếng đó. Những trường hợp này vẫn phải quay về cái gốc là chỉ chọn 1 ngôn ngữ chính và ưu tiên còn ngôn ngữ tiếp theo chiếm tỉ trọng phải thấp hơn cả về kỳ vọng, môi trường thực hành, phương pháp giảng dạy ... Độ tuổi không mang tính quyết định hoàn toàn trong câu chuyện rối loạn ngôn ngữ”.
“Hầu hết học sinh ở Việt Nam đang học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Điều này khác với song ngữ. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc học ngoại ngữ từ rất sớm có thể có tác động tiêu cực đến tiếng mẹ đẻ. Mặc dù các ý kiến khác nhau, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi quan trọng để phát triển tiếng mẹ đẻ là từ 2 đến 4 tuổi. Hai nghiên cứu nổi tiếng từ năm 1987 và 1991 đã phát hiện ra rằng việc tiếp thu ngôn ngữ đầu tiên của trẻ em có thể bị đình trệ nếu chúng chìm đắm trong chương trình giảng dạy ngôn ngữ thứ hai trong thời gian dài tại trường mầm non hoặc nhà trẻ. Một số cha mẹ thậm chí còn cảm thấy cần phải ngừng sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà, nhưng điều này có thể dẫn đến việc trẻ bị nhầm lẫn và mất lòng tự trọng”- TS Trần Minh Hoàng. |