Nỗi lo trước mùa lễ hội

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối cùng của năm 2018 đang qua đi. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Noel, chính thức mở đầu mùa lễ hội đón mừng năm mới 2019 và tiếp đó là đón Xuân Kỷ Hợi. Sẽ có rất nhiều lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí… được tổ chức.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ là nơi đón du khách từ khắp trong ngoài nước. Bên cạnh niềm vui, sự háo hức tham gia một mùa lễ hội, nhiều người Hà Nội lại lo ngại nghĩ đến những hệ lụy không mong muốn của nó. Một trong số đó là nỗi lo về nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng - một tình trạng đáng buồn kéo dài từ nhiều năm nay, đặc biệt bùng phát khi diễn ra các lễ hội tập trung đông người.

Cách đây ít ngày, VTV1 phát một phóng sự về tình hình thu gom, xử lý rác thải tại nơi công cộng ở hai TP lớn nhất nước. Bên cạnh việc ghi nhận những tiến bộ về vệ sinh môi trường từ sau khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành và đi vào cuộc sống, đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phóng sự cũng phản ánh những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực này, đặc biệt là sự lo ngại về về tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Thật đáng lo ngại là sau những thước phim về quang cảnh sạch đẹp trên những con phố như Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, những quảng trường Chí Linh, Đông Kinh Nghĩa Thục nhờ sự lao động miệt mài, cần mẫn của anh chị em công nhân vệ sinh môi trường, là cảnh rác thải bừa bãi ngay dưới chân những nam thanh nữ tú, những vỏ bao thuốc lá, túi nilon nổi lềnh phềnh bên đài phun nước… Mà đó mới chỉ là trong những ngày cuối tuần trên khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, lượng người đổ về đây chưa quá đông. Lo ngại cũng bởi từ đầu năm 2018 đến nay, nghĩa là khoảng 2 năm sau khi Nghị định 155 ra đời, sau những ngày lễ có đông người tham gia như Giao Thừa, 30/4, 2/9… luôn xảy ra tình trạng đủ loại rác thải xả bừa bãi tên những con phố, quảng trường, bãi cỏ…

Không thể không ghi nhận những cố gắng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành vệ sinh môi trường để khắc phục tình trạng trên. Những thùng rác đã được đặt ở những chỗ thuận lợi nhất cho việc vứt rác. Công nhân môi trường thường xuyên làm việc từ 4 giờ sáng hàng ngày để chậm nhất là 6 giờ, đường phố và những điểm công cộng đã sạch sẽ. Tuy nhiên, chỉ mấy tiếng sau, rác đã xuất hiện ngay chính những nơi này. Đó là ngày thường. Còn ngày lễ, Tết thì như lời một cán bộ Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, lễ hội kết thúc cũng là lúc những công nhân vệ sinh phải làm việc cật lực mà không xuể. Số liệu thống kê công bố vài năm trước cho thấy, vào dịp lễ hội bình quân mỗi ngày nhân viên công ty thu gom được gần 3,5 tấn rác, ngày cao điểm con số còn cao hơn nhiều chắc cũng chưa lạc hậu. Phố Tràng Tiền nơi có cửa hàng kem, khu vực Thủy Tạ rác xả rất nhiều. Có người gọi phố Tràng Tiền là “phố rác”. Công ty bố trí nhân viên trực ca nhưng không thể chen chân vào dọn rác thải. Phải nhờ các lực lượng can thiệp công ty mới thu dọn được vệ sinh tại khu vực Bờ Hồ…

Câu chuyện về tình trạng kém ý thức của người dân khi thực hiện hành vi thải rác đã được nói tới từ nhiều năm nay. Nhiều giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hành vi này đã được thực hiện, kể cả quy định một mức xử phạt khá cao. Theo quy định của Nghị định 155/2016/NÐ-CP, người có hành vi gạt tàn, vứt mẩu thuốc lá nơi công cộng bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế không đúng nơi quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng, bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Với hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng thì mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng... So với những quy định trước đây, mức xử phạt theo Nghị định 155/2016/NÐ-CP cao hơn nhiều lần.

Vậy mà tệ vứt rác bừa bãi vẫn tồn tại nơi này, nơi khác như một thói quen tùy tiện, rất đáng lên án của nhiều người. Nó lại càng được dịp bùng phát trong những ngày lễ hội, thời điểm một lượng rất lớn người dân đổ về một khu vực. Có lẽ, như nhiều chuyên gia phân tích, để loại bỏ thói quen xấu này, hình thành một nếp sống có văn hóa, cần sự giáo dục căn cơ, cả trong gia đình, nhà trường và xã hội với lớp trẻ hôm nay. Tuy nhiên, đó là cả một câu chuyện dài, cần sự nhận thức đầy đủ cùng những giải pháp căn cơ. Trước mắt là một mùa lễ hội đón năm mới. Làm sao để không còn cảnh lòng đường Đinh Tiên Hoàng, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành bãi rác sau mấy giờ đồng hồ hàng vạn người cùng vui đón năm mới? Bên cạnh việc chuẩn bị những điều kiện như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân, nên chăng ngay từ bây giờ các lực lượng chức năng cần tiến hành nhắc nhở, xử phạt thật nghiêm. Đặc biệt, cần thiết kế và lắp đặt những biển báo ghi rõ những hành vi vi phạm, mức phạt cho từng hành vi đó ở những điểm dễ thấy. Ngoài ra cũng cần quy định, áp dụng những hình thức xử lý bổ sung như thông báo danh tính những người vi phạm một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là với những hành vi nghiêm trọng, chịu mức phạt cao. Hoặc cùng với việc phạt tiền thật nặng, buộc người vi phạm mặc quần áo phản quang lao động công ích dọn vệ sinh ngay gần nơi họ cư trú, một biện pháp mà chính quyền Singapore đã thực hiện rất có tác dụng.

Cuối cùng, dù không có gì mới, cũng cần nhắc lại một điều xem ra thuộc về nguyên tắc. Đó là nếu muốn thành công trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ một nếp sống văn hóa rất cần có sự nêu gương hằng ngày của lớp người đi trước, mà gần gũi nhất là các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô…