Nỗi lo từ chợ “cóc”, chợ tạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh nhưng vẫn hoạt động; chợ cóc, chợ tạm bị buông lỏng quản lý, rau an toàn nhưng không an toàn… là những vấn đề "nóng" tại buổi làm việc của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP với Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP chiều 17/1.

An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhức nhối

Mặc dù thời gian qua, Hà Nội không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, song theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, việc quản lý ATTP vẫn rất nan giải. Con số báo cáo chỉ là "bề nổi", bởi thực tế, nỗi lo lớn nhất là ngộ độc từ từ khiến người dân ai cũng lo, thì ngành y tế chưa kiểm soát được.  

Đặt mình trong trường hợp là người tiêu dùng, ông Phạm Xuân Tài, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa xã hội HĐND TP cho biết chưa yên tâm khi vào siêu thị mua thực phẩm, bởi ngay rau an toàn vẫn... chưa an toàn. Ông Vũ Mạnh Hải, thành viên đoàn giám sát lại lưu tâm đến việc các cơ quan chức năng ở Hà Nội đang buông lỏng quản lý các chợ cóc, chợ tạm. Đây là vấn đề nhức nhối từ lâu, nhưng vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế băn khoăn trước việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, kháng sinh trong chăn nuôi. Ông Chính đặt câu hỏi: "Nếu như ở nước ngoài, quy trình thu hái rất quy chuẩn, thì ở ta lại rất đáng lo, việc phun hóa chất không đúng thời gian, phun xong hái luôn để rau quả mỡ màng. Vậy, Hà Nội có giải pháp gì?", lại chưa có ai giải đáp thỏa đáng được.

Nỗi lo từ chợ “cóc”, chợ tạm - Ảnh 1

Mua bán thịt lợn tại chợ Hôm. Ảnh: Trần Việt

Lúng túng vì thiếu thông tư

Đề cập đến công tác quản lý ATTP, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, nhưng đến nay, vẫn chưa đủ các thông tư hướng dẫn. Một số thông tư hướng dẫn mới được ban hành, nên nhiều doanh nghiệp chưa nắm được, gây khó trong triển khai thực hiện công tác này. Riêng ngành Công Thương, trong quá trình cấp "Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP" lại chưa có Thông tư quy định về thu phí và lệ phí. Hiện, Bộ Công Thương mới phân cấp cho Sở cấp giấy chứng nhận, nhưng quận, huyện, xã, phường lại chưa được phân cấp. Vì vậy, số lượng cơ sở có giấy chứng nhận rất thấp, nên nhiều cơ sở trở thành hoạt động trái phép, mà chưa bị xử lý.

Bà Nguyễn Quỳnh Vân, đại diện Sở Công Thương cho biết, việc cấp giấy chứng nhận hiện nay đối với Sở rất khó, vì thiếu nhân lực: "Cả Sở chỉ có 2 cán bộ chuyên trách, vì vậy chúng tôi chưa triển khai được trên diện rộng".

Thực tế, tại đợt giám sát ATTP tại quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, Thanh Trì của Ban Văn hóa xã hội vừa rồi, các nơi này đều kêu khó trong việc thực hiện Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở.

Quản thế nào?

Lãnh đạo Sở Công Thương, Y tế đều chưa có giải đáp thỏa đáng những câu hỏi được đặt ra. Về quản lý chợ “cóc”, chợ tạm, bà Nguyễn Quỳnh Vân chỉ gói gọn "rất khó quản lý"! Trước lo ngại về rau an toàn không an toàn, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, đã kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất rau an toàn, tuy nhiên vẫn còn một số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Trong năm nay, vấn đề này sẽ được ngành siết chặt hơn. Tuy nhiên, lo ngại là Hà Nội chỉ cung ứng được 40% lượng rau cung cấp cho người dân TP, 60% rau nhập bên ngoài càng khó kiểm soát.

Vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm, thì đại diện Sở NN&PTNT thừa nhận chưa thể kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Còn giết mổ tập trung, cả Hà Nội có 14 cơ sở, trong đó 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng cả 7 đều hoạt động cầm chừng vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, dù có nhiều vướng mắc trong triển khai, nhưng sẽ sớm thống nhất liên ngành để thực hiện tốt hơn công tác này. Trong năm 2013, ngành sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề bức xúc trong ATTP. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và các lễ hội sau đó, Ban chỉ đạo ATVSTP sẽ hoạt động "hết công suất" để mang lại bữa ăn an toàn cho người dân.