Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo “từ điển rác”

Mẫn Nông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, dư luận dậy sóng bởi câu chuyện “từ điển Vũ Chất” - một cuốn từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975 với vô vàn những sai sót, ngô nghê được nhiều nhà xuất bản liên kết tái bản với chỉ dẫn “dành cho học sinh”. Cuốn sách này nhanh chóng bị thu hồi.

Cũng trong dịp này, người ta tiếp tục phát hiện hàng loạt cuốn từ điển dành cho học sinh khác, biên soạn theo lối xào xáo vô tội vạ, sai sót kinh hoàng, đến mức phải thu hồi, tiêu hủy (đơn cử như “Từ điển tiếng Việt” dành cho lớp 1, 2, 3; lớp 4; lớp 5, của Khắc Trí - Trọng Tấn - NXB Đồng Nai - 2012). Ấy vậy mà từ đó đến nay, các loại từ điển kém chất lượng, hay còn gọi “từ điển rác” vẫn xuất hiện trên thị trường, phát hành công khai trong hệ thống phát hành sách toàn quốc.
Trước 2017, nhóm tác giả “từ điển rác” thường thay tên đổi họ dưới các bút danh Kim Danh - Ngọc Hằng; Kim Anh - Ngọc Hằng; Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đức Bốn; Kỳ Uyên - Đăng Khoa; Kỳ Duyên - Hồng Vân - Đình Chương - Đăng Khoa... Có cuốn ngoài bìa 1 ghi tác giả là “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội Ngôn ngữ học” nhưng bìa trong lại là “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên”(!); hoặc nhóm Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm - Minh Nhật hoặc Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm... “Từ điển rác” thường trương mấy chữ “Ngôn ngữ Việt Nam” lên đầu trang bìa, khiến người mua nhầm lẫn từ điển do “Viện ngôn ngữ học” biên soạn. Sau nhiều vụ bê bối, nhóm biên soạn Ngọc Hằng - Kỳ Duyên lại “lập lờ”, làm nhái một cái tên có uy tín khác, đó là “Hội ngôn ngữ học”, hoặc “Trung tâm từ điển học”. Thậm chí, thay vì thông tin lập lờ “Ngôn ngữ Việt Nam” như ngoài bìa sách, Nhà sách Khang Việt ghi là “Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Khoa học - Xã hội - Nhân văn)”. Có thể nói đây là sự mạo danh, đánh lừa độc giả rất trắng trợn và nghiêm trọng.
Thông thường, “từ điển rác” sao chép trong các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trước năm 1975. Có khi để giải nghĩa một từ, thì nghĩa 1, tác giả chép của “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học Vietlex), nghĩa 2 chép của “Tự điển Việt Nam” (Ban Tu thư Khai trí, Sài Gòn, 1971). Có khi một từ phải được giảng 3 nghĩa thông dụng nhưng nhóm tác giả tùy tiện, chỉ chép lấy một nghĩa, khiến nghĩa từ trở nên què cụt. Việc sao đi chép lại khiến cái sai cứ thế được nhân lên. Hiện nay, những loại sách từ điển này vẫn còn bày bán trên thị trường.
Có thể nói, những người biên soạn “từ điển rác” không có kiến thức về ngôn ngữ học nói chung và từ điển học nói riêng. Ấy vậy mà các loại từ điển này vẫn không ngừng được biên soạn, lại thường nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên - những lứa tuổi và cấp học đang trau dồi, học hỏi, hoàn thiện về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, do đó cái hại càng lớn.