Nỗi lo từ những con kênh chết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bốc mùi, đầy rác rưởi, không thể phục vụ tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.

Có khỏe như trâu bò, nếu lỡ không may uống phải thứ nước kinh hoàng này cũng chỉ còn đường… vào lò mổ! Đây là thực trạng đáng báo động ở một số con kênh ở Hà Nội.

Kênh xanh - chỉ còn trong ký ức

Cách đây hơn chục năm, mỗi khi trưa hè nắng nóng, lũ trẻ ở Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) đều hò nhau xuống kênh T2 Sơn Đồng giải tỏa cái nóng nực. Nhưng vài năm trở lại đây, sau buổi làm đồng, người dân sở tại không ai còn dám… liều mạng xuống rửa chân. Từ con kênh xanh năm nào, giờ đây, kênh T2 Sơn Đồng thường xuyên bốc mùi hôi thối... 
Kênh Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) đen ngòm và đầy rác.
Kênh Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) đen ngòm và đầy rác.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đại, ở xóm ngã tư Sơn Đồng nói: “Cách đây mấy năm, trẻ con vào hè cứ hồn nhiên xuống kênh tắm, dẫu bố mẹ có cấm, chúng vẫn lén lút rủ nhau đi. Bây giờ, các bậc phụ huynh cũng chẳng phải lo, vì … có cho tiền thì chúng nó cũng chẳng dám xuống tắm ở con kênh ô nhiễm nặng này”.

Không chỉ riêng kênh T2 Sơn Đồng, mà nhiều tuyến kênh tại các huyện trên địa bàn TP hiện cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng các con kênh ô nhiễm phần lớn là do con người. Cụ thể, tại xã Sơn Đồng, bởi nằm ở địa hình thấp, trũng, nên nguồn thải từ các làng nghề chế biến nông sản như Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu đều đổ dồn về… khiến kênh T2 đổi màu và ô nhiễm nặng. Trong khi đó, kênh Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn nước từ sông Đáy, nhưng sông Đáy quanh năm tứ mùa đều bốc mùi do "lãnh đủ" nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn. Thêm vào đó là rác thải sinh hoạt, xác động vật chết bị những người vô ý thức ném xuống, khiến kênh Mai lúc nào cũng xin xỉn màu và loài có thể sống dưới dòng kênh này có chăng chỉ là… cá dọn bể!

Tất cả còn phải chờ?

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mỗi năm, TP sẽ thực hiện lộ trình cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trong năm 2016, tổ chức điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn theo 8 loại hình sản xuất, như: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc. Ngoài ra, sẽ điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện theo các nhóm A, B,C… Hỗ trợ 100% kinh phí cho 20 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để xây dựng công trình xử lý nước thải đầu mối như: Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), trạm xử lý nước thải Lại Yên (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức)… Khi các công trình này đi vào hoạt động, hy vọng tình trạng ô nhiễm của các con kênh sẽ được cải thiện.

Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ (qua điện thoại) với ông Chu Mạnh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc & Phân tích tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, vấn đề này, phóng viên nên liên hệ với Chi cục Bảo vệ môi trường. Phóng viên đã gửi giấy giới thiệu đến Sở TN&MT Hà Nội (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu được lãnh đạo Sở bút phê thì mới cung cấp thông tin), mặc dù giấy giới thiệu đã ghi rõ nội dung: Tìm hiểu thông tin về tình trạng ô nhiễm của các con kênh ở Hà Nội, nhưng tại buổi làm việc sáng 13/4, ông Đỗ Đức Thành - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) lại nói rằng: "Muốn tìm hiểu tình trạng ô nhiễm con kênh nào ở Hà Nội, các anh phải liệt kê ra, chúng tôi sẽ phải thu thập thông tin trên cơ sở kết quả quan trắc mới có câu trả lời chi tiết. Vì chúng tôi không nắm được hết thông tin… Có được cái nào chúng tôi mới cung cấp được, hôm nay thì chưa! Chúng tôi sẽ liên hệ lại chỗ anh Tuấn (ông Chu Mạnh Tuấn - PV) rồi báo lại sau".

Kênh nông nghiệp bị ô nhiễm, cá không sống nổi, bốc mùi hôi thối quanh năm, sức khỏe của người dân sống ven các kênh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, như cách nói của ông Thành, trong lúc chờ đợi có câu trả lời của ngành chức năng, người dân vẫn sẽ hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm không biết đến bao giờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần