Nỗi lo về những cái nhìn lệch lạc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh tượng 2 nhân viên của kênh WDBJ7 tại Virginia bị bắn chết ngay trên sóng truyền hình trực tiếp đã gây ra sự chấn động mạnh đối với người dân Mỹ.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy những mặt trái của nền văn hóa Mỹ như quyền tự do sở hữu vũ khí, phân biệt chủng tộc...
Hiện trường nơi phát hiện chiếc xe của nghi phạm Vester Lee Flanagan
Hiện trường nơi phát hiện chiếc xe của nghi phạm Vester Lee Flanagan
Ngày 26/8, phóng viên Alison Parker và người quay phim Adam Ward đã bị bắn chết khi đang phỏng vấn một lãnh đạo DN địa phương trên sóng truyền hình trực tiếp. Thủ phạm được xác định là đồng nghiệp cũ Vester Lee Flanagan của 2 nạn nhân tại kênh WDBJ7. Không chỉ chĩa súng vào nạn nhân, tên sát nhân máu lạnh còn điềm tĩnh quay lại toàn bộ hành vi phạm tội và đăng tải trên mạng xã hội Twitter.

Trên đường chạy trốn, Flanaga vẫn dành thời gian lên Twitter để tiết lộ nguyên nhân khiến hắn mưu sát Parker vì cô đã đưa ra bình luận phân biệt chủng tộc, còn Ward từng gặp quản lý nhân sự để phàn nàn về anh ta sau khi làm việc chung. Flanaga sau đó còn có nhiều lời giận dữ và tuyên bố trả thù cho cuộc “chiến tranh sắc tộc”.

Việc Flanagan đăng 2 đoạn video ngắn lên Twitter và một đoạn video dài 56 giây lên Facebook ghi lại toàn bộ hành vi phạm tội được các chuyên gia nhìn nhận như là một tác dụng phụ của mạng xã hội và chắc chắn sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Chuyên gia tâm lý học J. Reid Meloy nhận định, nhiều kẻ giết người hàng loạt trong những năm gần đây là "những kẻ bắt chước". Chúng bị thúc đẩy và học hỏi từ những vụ giết người trước đó. Tuy nhiên, những kẻ sát nhân cũng thường muốn tạo dấu ấn riêng để vượt qua những kẻ đi trước. “Chúng hướng đến những điều chưa từng xảy ra, tính về số lượng nạn nhân hoặc phương pháp hành động”.

Hầu hết tội phạm bạo lực thường “có cái nhìn rất lệch lạc rằng những gì chúng đang làm là điều tốt” - Raymond Di Giuseppe, GS tâm lý học tại Đại học St. John phân tích, "Chúng muốn phát tán suy nghĩ của chúng đến nhiều người và truyền thông cho phép thông tin phát tán nhanh và dễ dàng, từ cả những người bạn chưa bao giờ gặp".

Thực tế, trong bản fax dài 23 trang gửi đến ABC News, Flanagan bày tỏ sự ngưỡng mộ kẻ giết người hàng loạt Seung Hui Cho - nghi phạm thực hiện vụ thảm sát tại Viện Công nghệ bách khoa Virginia khiến 32 người chết năm 2007. Các nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, hung khí mà Flanagan dùng để gây án giống với khẩu súng lục mà Cho đã dùng.

Nhưng Frank Farleym - chuyên gia của Đại học Temple nói rằng, vụ sát hại 2 phóng viên là một trường hợp rất đặc biệt: "Xem chương trình TV buổi sáng là điều khán giả làm thường ngày. Nếu một điều bình dị như vậy đột nhiên trở nên đáng sợ, nó sẽ có tác động lớn tới tâm lý của người dân ở Virginia. Công chúng sẽ cảm thấy nguy hiểm cận kề hơn".

Trong một động thái khác, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã lên tiếng về vấn đề kiểm soát súng đạn vốn trở thành đề tài tranh cãi từ lâu trong xã hội Mỹ. Bà Hillary cho rằng: “Phải hành động để ngăn chặn tình trạng lạm dụng súng và không thể chờ thêm được nữa”.