Nới lỏng giãn cách xã hội: Nhiều mối lo từ hàng rong, chợ cóc “tái xuất”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBNDTP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong trên địa bàn.

Quy định là vậy nhưng sau 2 tuần thực hiện, trên địa bàn TP Hà Nội lại “tái xuất” tình trạng chợ cóc, hàng rong lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Đây là những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Khảo sát thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại nhiều tuyến phố thuộc các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... cho thấy  chợ "cóc" họp từ sáng sớm ngay dưới lòng đường, trong các ngõ nhỏ, rất đông  người mua kẻ bán, nhưng không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

 Người bán hoa quả rong lấn chiếm lòng đường Trần Quang Diệu (quận Đống Đa) làm nơi buôn bán (ảnh chụp ngày 6/10).

Bên cạnh đó, nhiều quầy hàng bán rau, hoa quả, đồ ăn vặt... lợi dụng lòng đường vỉa hè làm điểm  buôn bán song hầu hết không quan tâm đến quy định phải giãn cách, đeo khẩu trang đúng quy định...
Trên đường Trần Quang Diệu (quận Đống Đa), tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra khá phổ biến. Những người bán hoa quả, thực phẩm, quán ăn lấn chiếm vìa hè lòng đường làm nơi buôn bán, cả người bán lẫn người mua đều không đảm bảo việc giãn cách phòng dịch theo quy định. Tương tự, trên đường Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ… liên tục xuất hiện các gánh hoa quả bán rong, xe đẩy kinh doanh đồ ăn vặt  đứng ngay giữa nga ba đường buôn bán.

Xe bán đồ ăn lấn chiếm lòng đường tại ngã ba Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) làm nơi buôn bán. Ngay tại cổng chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), có nhiều tiểu thương bày bán thực phẩm tràn xuống vỉa hè, lòng đường.

Tương tự, chợ 'cóc' phố Cầu Mới, giáp ranh quận Thanh Xuân và Đống Đa trong những ngày này có dấu hiệu tái vi phạm khi nhiều người bán hàng rong, xe thồ tập trung đứng hàng dài để mua, bán hàng.

 Người bán hoa qua rong trên đường Hồ Đắc Di.

Nói về nguyên nhân khiến chợ cóc, chợ tạm có nguy cơ tái xuất hiện, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan việc giải tỏa chợ "cóc", chợ tạm luôn là việc khó của chính quyền địa phương bởi việc giải tỏa chủ yếu do cán bộ các phường, xã thực hiện, nhưng lực lượng này mỏng, chế tài xử phạt nhẹ...
 Lấn chiếm vỉa hè trước cổng chợ Thái Hà làm nơi buôn bán không đảm bảo phòng dịch.

Nguyên nhân khác là các quận nội thành thiếu chợ dân sinh, người tiêu dùng lại có thói quen tiện đâu mua đấy, ít chú trọng nguồn gốc hàng hóa, đã tiếp tay cho chợ "cóc", chợ tạm mọc lên. Đặc biệt, các "điểm đen" tại địa bàn giáp ranh càng dễ tái phạm do các tiểu thương hay di chuyển giữa các địa bàn để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, việc xóa bỏ chợ "cóc", chợ tạm là khó, nhưng không phải không làm được. Thực tiễn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã hạn chế được chợ "cóc", chợ tạm do kiên quyết trong xử lý vi phạm. Điểm chung ở những chợ này là chính quyền sở tại thiết lập và duy trì các chốt trực ở mọi thời điểm, nên vi phạm không có cơ hội phát sinh.