Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chung sống” an toàn với dịch Covid-19, nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong phòng, chống dịch, đó là những thông điệp đang được nhấn mạnh khi TP Hà Nội từng bước mở lại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ở địa bàn chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (tính từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 của TP). Bởi chỉ cần tâm lý chủ quan, “xả hơi” xuất hiện ở một vài nơi, một vài người, cũng sẽ dẫn đến những hệ quả khó đoán trước, làm uổng phí công sức của cả xã hội.

Người dân xếp hàng mua phở trên đường Văn Cao ngày 16/9. Ảnh: Công Trình.
Từ 12 giờ ngày 16/9, đối với địa bàn một số quận, huyện, thị xã, được hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Đây là những quyết định được TP xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được buông lỏng trong phòng, chống dịch. Đây cũng là những tín hiệu rất tích cực khi tình dịch trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát; TP cũng đã hoàn thành kế hoạch đặt ra về xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên cơ sở số vaccine được phân bổ.
Tuy nhiên, trong khi tình hình dịch diễn biến vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát còn rất cao. Bởi thế mọi sự thận trọng đều rất cần thiết. Việc duy trì và tuân thủ nghiêm mọi quy định phòng dịch càng phải được đặt cao hơn, không vì dần nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Rất mừng là ngay sau khi có văn bản của TP, các quận, huyện được phép mở lại một số hoạt động kinh doanh đã triển khai ngay các phương án để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, như yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết; hướng dẫn các cơ sở cài đặt mã QR-Code theo quy định; thực hiện đầy đủ khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; thường xuyên khử khuẩn tại cơ sở, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp; xử lý nghiêm các vi phạm...
Nhưng trên hết, rất cần lúc này là sự chủ động, tự giác của chính các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại, chấp hành nghiêm các quy định; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ. Đây không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính mình, để được duy trì hoạt động, sinh kế.

Từ các đợt dịch đã qua cho thấy, sau mỗi đợt giãn cách dài, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện, đặc biệt khi số lượng người đã tiêm vaccine đạt cao như hiện nay. Và khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh.
Do vậy, như khuyến cáo của các chuyên gia, dù giảm dần giãn cách xã hội, tiêm vaccine, đưa nhịp sống dần ổn định trở lại để phục hồi kinh tế, nhưng người dân cũng không nên chủ quan, các biến thể của virus rất nguy hiểm, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào.

Nhìn lại mấy tháng dịch bệnh vừa qua, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch vì không chủ quan, luôn chủ động, khoanh vùng, cách ly, dập dịch quyết liệt, "chống dịch như chống giặc". Vì vậy, hy vọng rằng, bất kỳ ai cũng cần tỉnh táo, mừng vì cuộc sống bình thường mới dần trở lại, nhưng cũng không bao giờ được quên các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2m với người khác… Càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch ấy. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán trước.