Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 1

Ngôi nhà cổ hơn 300 năm tuổi tại phố Kẻ Vẽ, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là địa điểm Công ty TNHH Xã hội 3/12 của ông Nguyễn Kim Khôi (tức Phạm Quang Khôi) mượn làm nơi sản xuất các loại cờ. Tại đây, ngày ngày vang tiếng máy khâu, vắt chỉ cùng tiếng cười nói rộn ràng của học viên. Họ đều là những người khuyết tật nặng, đến đây không chỉ được học nghề, có công việc mà còn được hòa nhập cộng đồng để vơi đi nỗi thiệt thòi và tiếp tục sống cuộc đời ý nghĩa.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 2

Hà Nội những ngày mùa Thu trời trong vắt và dịu nhẹ, góc các đường phố trở lên thênh thang hơn. Đi qua vòm cổng yên ắng vào phố Kẻ Vẽ và hỏi thăm Công ty TNHH Xã hội 3/12 chuyên may cờ của ông Nguyễn Kim Khôi, ai cũng mau mắn chỉ vào một ngôi nhà cổ nằm sâu trong ngõ nhỏ.

 

Ngôi nhà cổ mái ngói ta (vảy cá) là từ đường họ Phạm, nơi thờ cụ Phạm Công Hoàn (đỗ Đệ Tam Giáp Đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Giáp Tuất 1694). Ngập lối đi vào nhà là vải may cờ và những bó cờ thành phẩm các loại. Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi kiêm thầy dạy nghề thoăn thoắn đi lại, tận tình hướng dẫn các học viên khuyết tật nặng từng đường kim mũi chỉ; chốc chốc ông lại dọn dẹp khu vực xung quanh cho gọn gàng. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát và nét mặt tươi tắn của Giám đốc Khôi, ít ai biết, ông là người khuyết tật vận động nặng.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 3

Chia sẻ về cơ duyên gắn kết với công việc đào tạo nghề may cờ và tạo việc làm cho người khuyết tật, Giám đốc Nguyễn Kim Khôi cho hay, ông cũng là người khuyết tật nên cảm thông sâu sắc và rất thấu hiểu mong muốn của những người đồng cảnh ngộ, đó là phải sống vui, tự lập và có ích. Thế rồi, ông Nguyễn Kim Khôi nhớ về thời thanh niên sôi nổi đã qua: “Tốt nghiệp THPT, với nhiều hoài bão và niềm yêu thích với các loại máy móc, tôi học Trường Công nhân kỹ thuật cơ khí 1 Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi làm kỹ thuật điều chỉnh máy thêu tại Xí nghiệp Sản xuất máy khâu Thăng Long. Tại các đơn vị công tác sau này, tôi được phân công đảm nhận vai trò tổ trưởng bảo trì, tổ trưởng kỹ thuật, phụ trách nhiều phần việc liên quan đến tư vấn dây chuyền sản xuất, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, bảo hành máy; đồng thời dạy nghề may sơ cấp, an toàn lao động khi sử dụng máy may".

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 4

Khi tương lai đang rộng mở, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho công việc để khẳng định bản thân đang dâng trào thì năm 2004, trong một chuyến vào miền Nam công tác, ông Khôi không may gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng cuộc sống của ông không thể bình thường như trước. Từ người lành lặn, bỗng chốc mất đi một bên chân trái và nửa bàn chân phải; đã có lúc ông hoang mang và tuyệt vọng đến cùng cực, nhất là khi nghĩ đến tương lai.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 5

“Hơn nửa năm trời, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, tập đi như đứa trẻ 1, 2 tuổi. Tôi bám sào, bám cột, đau đớn và khó nhọc tập lê từng bước. Lúc tự mình đi lại được bước đầu tiên, tôi mừng rỡ và không muốn bỏ cuộc, đầu hàng nữa. Tôi muốn sống, thậm chí là sống cuộc đời tốt đẹp hơn. Tôi phải làm việc!”, ông Nguyễn Kim Khôi xúc động chia sẻ. Ông Khôi tìm ra một chân lý đó là, chỉ có lao động mới làm con người ra tự tin, sáng tạo và trở nên có giá trị. Sau này, khi lắp chân giả và đi lại như người bình thường, động lực quay trở lại với nghề may trong ông càng mãnh liệt. Lúc này, ông nghĩ và thương người khuyết tật nhiều hơn. Họ cũng như ông, muốn được sống, có công việc bền vững, thu nhập ổn định, gạt bỏ mặc cảm và mở lòng với tất cả mọi người.

Nhờ mối quen biết nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, phố Hàng Bông trước đó, ông quan tâm đến việc may các loại cờ. Có lần, nghe tiểu thương ở phố Hàng Bông rỉ tai nhau: “… Đố may được cờ Tổ quốc. May cờ khó lắm”; ông Khôi tự nhủ, khó mấy mình cũng làm được. Vậy là, thay vì làm thuê cho tiểu thương, với kinh nghiệm dạy may trong công ty, may dây chuyền từng công đoạn, ông xin nhận hàng về nhà làm. Dần dần ông Khôi kiếm tìm, kết nối, nhận những người khuyết tật nặng để đào tạo nghề, sau đó nhận họ vào xưởng làm việc và trả tiền lương. Những lá cờ của ông Khôi và người khuyết tật may luôn nhận được nhiều lời ngợi khen và phản hồi tích cực từ khách hàng. Khi đơn đặt hàng tăng lên, ý tưởng mở xưởng, tiến tới là thành lập công ty vừa để ổn định, thuận lợi trong sản xuất, vừa có cơ hội giúp đỡ người khuyết tật đã nhen nhóm trong ông Khôi.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 6
Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 7

Năm 2008, ông Nguyễn Kim Khôi thành lập Xưởng may cờ 3/12 - là nơi vừa học, vừa làm của những người khuyết tật nặng. Đến tháng 1/2021, do yêu cầu của công việc và những thay đổi theo hướng hội nhập, ông Khôi quyết định thành lập Công ty TNHH Xã hội 3/12. Kể từ đây, doanh nghiệp xã hội của ông chính thức có tư cách pháp nhân, con dấu, hóa đơn đỏ… thuận lợi hơn cho việc chốt và nhận đơn hàng. Công ty TNHH Xã hội 3/12 ngày càng phát triển, mở rộng mối quan hệ khách hàng; đồng thời có đầu ra ổn định nên ông Khôi giúp đỡ được nhiều học viên khuyết tật nặng. Đặc biệt, với mỗi học viên đến Công ty TNHH Xã hội 3/12 học nghề may cờ, ban đầu đều được Giám đốc hỗ trợ 500.000 đồng/tháng và mỗi ngày 1 bữa cơm trưa. Khi học viên thành thạo các đường thẳng thì được bố trí may trên sản phẩm và được hưởng lương.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 8

“Mỗi khi có học viên mới tìm đến, tôi yêu cầu họ xuất trình Giấy chứng nhận khuyết tật. Tuy rằng mỗi học viên khuyết tật dạng khác nhau nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua là tôi đánh giá được mức độ khuyết tật của từng người và nghĩ ngay đến phương pháp dạy nghề phù hợp. Phương pháp đào tạo nghề của tôi là cầm tay chỉ việc, dạy đến đâu thực hành đến đó; áp dụng cả kỹ thuật và tâm lý” - ông Nguyễn Kim Khôi cho hay.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 9

Ông Khôi diễn giải: “ví dụ gặp học viên bị liệt một tay, liệt hai chân, chấn thương não, chấn thương mắt… đều có cách thức riêng để dạy họ may. Đó là, hướng dẫn họ sử dụng sức của đùi, gót chân, lưng, hông… tác động vào máy khâu để dần dần may được đường thẳng”. Dù ông Khôi dạy cho đối tượng khuyết tật nào thì bài học đầu tiên đều về thực hiện an toàn lao động. Điều khác biệt nữa là ông không để một người làm tất cả các công đoạn mà phân công lao động phù hợp với từng dạng khuyết tật, trong đó có người may đường thẳng, người may đường viền, người gấp cờ, xếp cờ vào túi, người đi giao hàng...

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 10
Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 11

Với phương pháp truyền dạy dễ hiểu, dễ nhớ, đúng phương pháp và sự ân cần của thầy Khôi, nhiều học viên khuyết tật đã thành nghề. Khi may được sản phẩm cờ, trung bình mỗi học viên khuyết tật nặng được nhận lương theo sản phẩm khoảng 3 triệu đồng/tháng. Những học viên tay nghề cao thì mỗi ngày làm được 200.000 – 250.000 đồng, tương ứng thu nhập 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Trong số học viên học việc và đang làm việc tại công ty của ông Khôi có chị Nguyễn Thị Minh (thường trú tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị khuyết tật vận động, liệt nửa người, một cánh tay bị co quắp, quanh năm chỉ đi được bằng 5 đầu ngón chân. Khi vào Công ty TNHH Xã hội 3/12, chị được Giám đốc Nguyễn Kim Khôi động viên và đào tạo nghề may cờ. Ban đầu, chị mặc cảm, nghĩ mình không thể học được vì cánh tay đau nhức, lại không thể duỗi, liên tục bị chuột rút. Nhưng rồi không phụ công dạy dỗ của thầy Khôi, chị Minh đã cố gắng vượt lên tất cả và trở thành công nhân may thành thạo các loại cờ. Hiện nay, chị Minh có thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng; nhưng quan trọng hơn là cánh tay co quắp của chị giờ đã co duỗi được theo ý muốn còn hai bên chân thì linh hoạt, đi lại bình thường.

 

Giống chị Minh, trước khi đến với Công ty TNHH Xã hội 3/12, chị Phạm Thu Hiền (trú tại đường Đông Thắng, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) bị khuyết tật vận động, liệt nửa người, tay chân co quắp, sống khép kín, hay cáu gắt do hậu quả của một vụ tai nạn giao thông. “Tôi đã được chú Khôi cho làm quen với máy may, chỉ dẫn cách may đường thẳng trên giấy đến khi thành thạo thì chuyển sang may cờ. Nghề may cờ đã giúp cánh tay của tôi được vận động hàng ngày, và đến nay, tay tôi đã duỗi được thẳng. Với tiền công 3 triệu đồng/tháng, sau hơn 7 năm làm việc, tôi tích lũy được khoảng 100 triệu đồng; ngoài ra tôi còn có thêm nhiều người bạn tốt, cùng cảnh ngộ, luôn chia sẻ vui buồn trong cuộc sống…”, chị Thu Hiền xúc động nói.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 12

Là một trong hàng trăm học viên được ông Nguyễn Kim Khôi giúp đỡ, anh Trần Nam Thắng (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) bị khuyết tật thần kinh bộc bạch: “Tôi làm việc tại công ty của anh Khôi được gần 8 năm. Anh luôn quan tâm đến tôi cả về công việc lẫn sức khỏe. Mỗi lúc tôi bị tức ngực, khó thở, thậm chí ngã lăn ra đất khi trái gió trở trời, anh Khôi đều có cách thức xử lý phù hợp. Mỗi tháng, với các phần việc mình đảm nhận, tôi được nhận 3 triệu đồng tiền lương. Số tiền này đủ để tôi chi trả một số sinh hoạt phí cơ bản, nuôi sống bản thân. Tôi biết ơn anh Khôi rất nhiều”.

Từ việc đào tạo nghề may cờ kết hợp tạo việc làm, sau 16 năm, ông Khôi đã giúp cho hàng trăm người người khuyết tật nặng vượt lên số phận, làm chủ cuộc đời. Hiện, số lượng người khuyết tật nặng đến Công ty TNHH Xã hội 3/12 xin học nghề ngày càng tăng nhưng ông Khôi chưa nhận lời vì không có mặt bằng rộng rãi để hoạt động.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 13

“Khó khăn tôi đang phải đối mặt không phải nguồn vốn hay đơn hàng mà là mặt bằng để sản xuất. Trước đây, tôi đặt xưởng ở nơi khác nhưng bị chủ nhà lấy lại làm nơi kinh doanh, vì vậy phải mượn tạm ngôi nhà cổ của họ Phạm để dạy nghề và gia công. Công ty có nhiều máy khâu nhưng do diện tích chật hẹp, không bố trí được chỗ ngồi nên tôi đã cho phép một số học viên mang máy may và nguyên liệu về nhà làm. Tôi mong muốn chính quyền và các ban ngành thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm tạo điều kiện tối đa để công ty được thuê mặt bằng tại các khu vực đất công chưa sử dụng” - ông Khôi đề đạt.

Nếu được thuê mặt bằng, mở rộng diện tích sản xuất, ông Nguyễn Kim Khôi và Công ty TNHH Xã hội 3/12 sẽ có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật được học nghề may cờ, có việc làm, thu nhập; đồng thời cải thiện được sức khỏe, làm chủ cuộc sống. Điều này không chỉ có giá trị lớn với người khuyết tật nặng mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; giúp chia sẻ, giảm áp lực cho Nhà nước, địa phương trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.

Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 14
Nơi những người khuyết tật nặng được làm chủ cuộc đời - Ảnh 15

11:46 30/10/2024