Năm nhất lấy... khóc làm đầu
Là một cô bé được bố mẹ cưng chiều, nên khi vừa rời xa vòng tay ấm áp của người thân, em Nguyễn Mai Lệ (sinh viên cao đẳng ở Canada) thường dùng cả tiếng đồng hồ để “facetime” với bố mẹ và chủ yếu là để... khóc.
Chị Trần Thị Ngà (mẹ em Nguyễn Mai Lệ) chia sẻ, do bên Canada không nghỉ Tết Nguyên đán, sức học lại căng nên em Lệ sẽ không về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Lại mới xuất ngoại, cả chị Ngà và cô con gái thường thu xếp thời gian mỗi ngày để trò chuyện, chủ yếu là những lời hỏi han và động viên từ gia đình.
“Lệ mít ướt lắm. Mỗi lần nói chuyện với mẹ thường đỏ hoe mắt. Dù cố gắng gượng cười, nhưng mẹ con vừa thấy nhau là giọng đã lạc đi” – chị Ngà nói về cô con gái sinh viên năm thứ nhất đang du học nơi đất khách quê người.
Là những tâm sự về nỗi nhớ xa quê, em Nguyễn Quỳnh Ngọc (quê Hải Dương, đang du học tại Đức) chỉ mong ngày Tết được sum vầy bên gia đình: “Ngày xưa, đêm 30 nào cũng trốn bố mẹ đi xem bắn pháo hoa với bạn, bây giờ, muốn về đi đón giao thừa với bố mẹ cũng khó. Năm nào em cũng về 2 lần, nhưng về vào Tết thì thật khó.
Giờ mà được về nhà Tết thì chỉ có ở nhà dọn dẹp và đón giao thừa thôi, không khí Tết đã rộn ràng lắm rồi. Thèm một cái Tết được quây quần, ấm áp bên người thân, gia đình. Chỉ nghĩ đến những ngày Tết, lòng em đã thấy xốn xang, xa quê mới biết, Tết cổ truyền ý nghĩa biết bao”.
Những nỗi lo thường trực
Du học, với nhiều người là cả một ước mơ, bởi phải thỏa mãn nhiều điều kiện, trong đó có vấn đề tài chính. Do vậy, không ít gia đình phải cố gắng vay mượn, thậm chí cầm cố cả “sổ đỏ” để dành tiền cho con cái ăn học. Ở chiều ngược lại, cũng không ít các sinh viên phải dành toàn bộ thời gian rảnh để đi làm thêm. Làm theo luật nước sở tại thì khó lòng trang trải đủ cho sinh hoạt, lách luật để làm ngoài luồng thì đủ nguy cơ rình rập, thậm chí là trắng tay dù đã quần quật cả tháng trời.
Hội du học sinh Việt Nam tại TP Kyoto, Nhật Bản tổ chức chương trình Mừng Xuân Canh Tý. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa |
Là một công chức theo hệ trao đổi giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Đào Tiến Công đưa ra những nhìn nhận: “Các lưu học sinh bên này vất vả lắm. Ngoài việc học tiếng Hàn rất khó, họ phải dành hầu hết thời gian đi làm thêm. Luật Hàn thì chỉ được làm 20 giờ mỗi tuần, nhưng như vậy thì không đủ ăn, đủ tiêu. Còn làm thêm ngoài luật, gặp chủ tốt không sao, gặp người không tốt họ quên luôn việc trả lương, không ai dám lên tiếng”.
Cũng là những mối lo về an ninh, phạm luật nước sở tại, em Nguyễn Ngân Nga (sinh viên tại Canada) cung cấp: “Em và nhóm bạn đang học kỳ 1 năm thứ nhất rủ nhau đi làm thêm. Dù sức học nặng, 7 môn mỗi kỳ, nhưng vẫn cố gắng động viên nhau để hỗ trợ thêm cho gia đình. Ở bên này họ chỉ cho làm 20 tiếng mỗi tuần, mỗi giờ được họ trả thường từ 10 - 13 CAD, mỗi CAD chừng 18.000 đồng, như vậy cũng không đáng là bao cho khoản hơn 1.500 CAD mỗi tháng, nên nhóm em tính làm thêm ngoài hợp đồng”.
Và, với sức ép về tài chính mỗi tháng học, nhóm bạn của Nga đã cố gắng tích luỹ thêm một khoản tiền đi làm thêm ngoài hợp đồng với những rủi ro “xù” tiền công hiện hữu. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều du học sinh ở nước ngoài khi gia đình kinh tế chẳng mấy xông xênh, thậm chí nhiều gia đình gồng gánh các khoản nợ nần để mong con được học hành thành đạt ở xứ người. "Dẫu biết sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả, nhưng vợ chồng tôi quyết cho con đi du học ở Australia để con được mở mang kiến thức.
Hy vọng, sau khi kết thúc chặng đường học hành, con tìm được công việc ổn định ở xứ người, và kéo đứa em trai đang học lớp 11 sang. Chị em chúng nó có hoài bão du học, kiếm được chút học bổng là sẽ lên đường, kinh tế khó đến đâu sẽ lo đến đó" - chị Nguyễn Thị Hà - TP Vinh, Nghệ An chia sẻ.
Chính vì những lo lắng về câu chuyện bấp bênh tiền lương, các sinh viên như em Nga thường tìm đến khu người Việt hoặc người châu Á để xin việc. “Em cũng may tìm được chính chủ người Việt nên cũng yên tâm hơn. Ở Toronto, người nước ngoài chủ yếu đến từ Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc nên cũng không quá xa lạ” - Nga chia sẻ.
"Khó đến đâu sẽ lo đến đó" là điều chị Hà cũng như nhiều du học sinh chia sẻ, nhưng điều các em cũng như các gia đình có con du học đều đau đáu một nỗi niềm xa quê, trong lòng ai cũng dồn nén nỗi nhớ thường trực, khôn nguôi, nhất là Tết đến Xuân về - khoảng thời khắc thiêng liêng của mỗi gia đình Việt.