Suốt 2 năm qua, họ đã hưởng vui tuổi già và chờ đợt vinh danh Nghệ nhân Nhân dân (NNND) để thêm một lần được thỏa niềm vui một đời cống hiến cho di sản.
Mỏi mòn chờ được gọi nghệ nhân Nhân dânCòn nhớ năm 2015, ở tuổi gần 90, 2 chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu trong dáng hình lọt thỏm, lưng còng sát đất, tóc đã bạc trắng lặn lội từ Phú Xuyên về Bảo tàng Hà Nội – nơi lần đầu tiên UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTT&DL tổ chức vinh danh danh hiệu NNƯT của Chủ tịch nước trao tặng cho các nghệ nhân. Quãng đường 40km sẽ không còn quá xa với hai cụ khi niềm mong mỏi được xướng tên đã kéo dài suốt mấy chục năm. “Nhận bằng công nhận rồi, ngày mai có khuất núi tôi cũng không nuối tiếc” – nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Khướu (thôn Chanh, Phú Xuyên) chia sẻ. Tuy nhiên, với những người yêu di sản, tấm bằng NNƯT chưa thấm gì so với những cống hiến của hai nghệ nhân này cũng như nhiều nghệ nhân ở loại hình di sản khác. Chính vì vậy, họ có niềm tin để chờ lần được gọi tên trong danh hiệu NNND.
|
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Vượn đã phải nhờ đến cháu cõng đi nhận bằng ghi danh Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thanh Khánh |
Trong lần xét tặng năm 2018, hai nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND. So với 2 năm trước, hai cụ tai nghe đã nặng đi nhiều, sức khỏe cũng giảm sút nhưng khi nhắc đến việc con cháu và các cơ quan văn hóa quan tâm xây dựng hồ sơ đề nghị danh hiệu cho mình, cụ Vượn run run nắm tay đứa cháu bày tỏ: “Lần này bà được danh hiệu, tiền thưởng nhớ dành mua cái đài thu mới để bà nghe hát ca trù mỗi đêm khuya”.
Tiếc cho những người đi xa140 nghệ nhân có hồ sơ xét công nhận đều may mắn hơn hơn rất nhiều nghệ nhân khác. Vẫn còn nhớ, nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng có hơn 70 năm găn bó với cây đàn. Hơn 90 tuổi nhưng đêm đêm vẫn đội khăn xếp, mặc áo dài đỏ nỉ non khúc đàn tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội). Thọ tuổi 95, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Hồng đã không thể chờ đến ngày tên mình được vinh danh trong lễ trao tặng danh hiệu NNƯT năm 2015. Hay nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc – cây đại thụ của ca trù đất Bắc, cả đời gian truân cùng ca trù nhưng đã qua đời một năm trước dịp trao tặng danh hiệu.
Nhắc đến danh hiệu, những người yêu di sản văn hóa Việt đã từng phải rơi nước mắt trước cảnh đời của cố nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, tiếc thương cho cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc và Vũ Văn Hồng, không sống để chứng kiến phút vinh danh, sự quan tâm, ghi nhận cho loại hình nghệ thuật mà cả đời họ cố níu giữ không thất truyền.
Hậu công nhận danh hiệu NNƯT, không phải nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống đã thoát khổ hay sống được bằng nghề. Ghi danh chỉ là động lực tinh thần để cho nghệ nhân tiếp tục phấn đấu và cống hiến. Nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, Quốc Oai) cho biết: “Sau khi được công nhận NNƯT năm 2015, tôi thêm niềm hứng khởi truyền dạy làn điệu hát Dô. Danh hiệu không chỉ để mọi người biết tới công lao cống hiến của một cá nhân mà còn giúp nhiều người trong và ngoài nước biết đến nền văn hóa quê hương”.
“Trẻ hóa” nghệ nhânQuá trình xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian đã diễn ra từ đầu năm 2017 với các bước từ việc dựa trên quyết định của Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo Sở VH&TT, Phòng VH&TT các quận, huyện, sau đó lập Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp, rà soát tổng hợp 140 hồ sơ, trong đó có 19 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT. Hồ sơ gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, xẩm, hò cửa đình múa hát bài bông, hát Dô, ca ví thường rang, bộ mẹng, diễn tấu cồng chiêng dân tộc Mường, tuồng, chèo, múa hát Ải Lao, kéo co ngồi, trống quân, múa rối, chèo tàu, hát sa mạc, múa bồng, múa rồng...), tri thức dân gian (ẩm thực, tò he ..), tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội.
Trong 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, đáng chú ý là hồ sơ của đào nương trẻ 24 tuổi Nguyễn Thu Thảo (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Sinh ra trong gia đình truyền thống ca trù, Thảo đã biết giữ nhịp, lấy hơi các làn điệu ca trù từ khi lên 5. Cô chính thức gắn bó với ca trù từ năm 17 tuổi. Hiện nay, không chỉ là ca nương biểu diễn thường xuyên, Nguyễn Thu Thảo còn đi truyền dạy nghệ thuật ca trù cho những người đam mê nghệ thuật cổ. Nguyễn Thu Thảo nói: “Tôi biết việc xét tặng danh hiệu năm 2015 nhưng đến đợt xét tặng thứ 2 này tôi mới đủ số năm theo quy định. Chính vì vậy, lần này tôi có tham gia nộp hồ sơ, dù có được xét tặng hay không cũng không ảnh hưởng tình yêu dành cho ca trù”. Ngoài ra, có rất nhiều nghệ nhân trẻ cũng có cơ hội được ghi danh trong lần xét tặng thứ 2 này vì những cống hiến không mệt mỏi của họ dành cho di sản phi vật thể.
Câu chuyện ghi nhận danh hiệu và chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân đã bao năm bàn mãi không dứt. Phải nói rằng, đãi ngộ bao nhiêu cũng là không đủ với tấm lòng, công sức các nghệ nhân chia sẻ cùng di sản. Các loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam sẽ mãi là kho tàng còn đó chính nhờ tấm lòng của mỗi người dành cho di sản, chứ không chỉ đong đếm bằng tiền.