Từ 9 giờ tối thứ Bảy hàng tuần, các thành viên của nhóm "Ấm" đã gói đồ, mua nước, xôi chuẩn bị cho chuyến từ thiện đêm quanh thành phố. Đêm đó, tôi ngỏ ý muốn đi cùng, trưởng nhóm đã "ok"! Trời bất ngờ đổ mưa, nhóm không nề hà, vẫn chuẩn bị quần áo và hơn 80 suất quà đem tặng những người vô gia cư. Thật may về khuya thì mưa tạnh, đúng 23 giờ 30 phút, xuất phát tại quán cà phê, nhóm được chia ra thành hai, mỗi tốp 10 người với khoảng 40 suất gồm đồ ăn, nước uống, quần áo và bản danh sách kèm thông tin về đối tượng… nhận quà! Tôi đi cùng tốp với Hoàng Thảo "thủ lĩnh" của nhóm. Người đầu tiên được ghé thăm của chuyến tặng quà là một cụ già nằm co ro bên mái hiên ở phố Điện Biên Phủ. Cụ đang rất đói, trời vừa tạnh mưa nên hơi lạnh khiến người cụ run lên. Các thiện nguyện viên đã mang bánh mỳ, sữa và nước để cụ "dùng bữa". Những cử chỉ lễ phép, sự tận tình của "người không quen" khiến cụ già không ngớt lời cảm ơn.
Chuẩn bị quần áo cho chuyến từ thiện đêm
Điểm thứ hai chúng tôi dừng chân là một vườn hoa nhỏ bên hồ Trúc Bạch. Chúng tôi gặp một người đang trông nom nhà vệ sinh công cộng không công ở ven hồ Trúc Bạch. Ông tên Sơn, dáng còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh đã làm tình nguyện được hơn hai năm. Suất đồ ăn đêm của "Ấm" khiến ông thấy ấm lòng. Ông Sơn nói, khu vực hồ Trúc Bạch cũng có một số người vô gia cư, và lúc này đã "đi nghỉ" hết.
Không ai thống kê được ở Hà Nội hiện có bao nhiêu người vô gia cư. Nhưng có điều chắc chắn là rất nhiều người trong số đó đã được nhóm "Ấm" tìm và các thành viên của nhóm vẫn từng ngày ấp ủ mong muốn có thể giúp được thêm nhiều người khác. Rải rác trong khu vực phố cổ Hà Nội có lẽ có nhiều người vô gia cư nhất. Ban ngày họ đi ăn xin, kiếm ve chai, bán quà vặt, bốc vác… ban đêm cứ trải tấm chiếu hoặc mảnh chăn nhỏ ra vỉa hè mà ngủ. Còn ở khu vực ga Trần Quý Cáp lại có nhiều người hành nghề xe ôm nhất. Lúc nhóm đến tặng quà, ngoài hai người ăn xin nằm ngủ dưới mái hiên thì có đến sáu tài xế xe ôm đang… ngủ trên xe. Chỉ nhìn thôi đã thấy họ đạt đến độ "chuyên nghiệp", ngủ vậy mà chẳng bao giờ ngã bởi họ khéo léo như diễn viên xiếc.
Hàng trăm số phận, mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh, người có việc làm, người không nhưng họ giống nhau ở chỗ sống cảnh màn trời chiếu đất, gian nan vất vả. Người gây ấn tượng nhất đối với tôi trong đêm theo "Ấm" đi tặng quà là người đàn ông nằm cuộn khoanh trong tấm chăn rách nát ở mái hiên chi nhánh một ngân hàng trên phố Cửa Nam. Qua hỏi han, trò chuyện, dù phát âm rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hiểu được, ông quê ở Thái Bình. Do bị tai biến, chạy chữa không khỏi, các con cứ càu nhàu, hơn một năm qua ông bỏ ra Hà Nội, lê lết đi các chợ ăn xin với ý nghĩ "sống được ngày nào thì sống". Hỏi, con cái có đi tìm ông không? Ông lắc đầu, nói chúng đã bỏ rơi ông. Nghe kể, các thành viên lặng người vì thông cảm…
Thắp lên hơi ấm
Bạn Hoàng Thảo sinh năm 1985, người sáng lập nhóm "Ấm" là cô gái tốt nghiệp khoa tiếng Nhật của Đại học Hà Nội, được giữ lại làm giảng viên. Công việc tại trường đang "êm", cô quyết định xin nghỉ, sang Nhật làm phiên dịch. Tưởng như đất nước hoa anh đào sẽ giữ được chân Hoàng Thảo, nào ngờ cô lại về Việt Nam mở cửa hàng bánh Nhật. Rồi cô thành lập nhóm thiện nguyện mang tên "Ấm". Thảo tâm sự: "Từ khi còn là sinh viên, em đã biết đến những người vô gia cư. Họ khổ thực sự và rất cần xã hội giúp đỡ. Và em nuôi mong muốn làm được gì đó để giúp đỡ họ. Sau khi tập hợp nhau trên facebook, từ giữa năm 2011 em và một số bạn bè lập nhóm. Chúng em chỉ muốn chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người không nhà ở và mong nhiều người cùng làm việc đó".
Sẻ chia tâm sự với những người có hoàn cảnh khó khăn
"Ấm" đang lớn dần theo từng ngày, và các thành viên tham gia ngày một đông. Lần đầu tiên tiếp xúc, không ai nghĩ một cô gái xinh xắn như thế lại cùng bạn bè giúp đỡ những người thường xuyên phải ngủ ngoài vỉa hè, góc phố, ghế đá công viên. Nhưng Thảo đã làm được điều đó, đã mang hơi ấm đến cho hàng trăm cảnh đời khó khăn. Ban đầu, Thảo kêu gọi ủng hộ quần áo, đồ ăn, hoặc tiền để làm từ thiện. Những ngày đầu tiên mang đồ đi giúp đỡ, do chưa có kinh nghiệm nên nhóm khá lúng túng. Họ rong ruổi trên các con phố Hà Nội vào ban đêm, khó khăn mà cũng chưa tìm được đối tượng cần giúp đỡ. Nhưng rồi bằng sự kiên trì, họ đã tìm được những người cần giúp đỡ.Giờ, đều đặn vào tối thứ Bảy hàng tuần, các thành viên của nhóm sẽ tập trung tại trụ sở trên phố Trần Hữu Tước, cùng nhau mang hơi ấm đến cho người nghèo. Những bộ quần áo ấm, thức ăn và đồ dùng cá nhân được quyên góp chủ yếu thông qua trang mạng xã hội Facebook, được phân loại và đóng gói cẩn thận. Qua hỏi chuyện, một thành viên cho biết, sau 23 giờ là thời gian mà những người lao động này đi nghỉ, dễ tiếp cận và tặng quà. Hoàn thành một đêm từ thiện cũng đã 3 giờ sáng, các thành viên mới trở về. Theo các bạn kể lại, có đến 70% số người được tặng quà tỏ ra bất ngờ. Bởi họ nghĩ họ là thành phần dưới đáy xã hội, đêm hôm khuya khoắt mà có người mang thức ăn đến, họ cảm động, nhiều người khóc, qua đó nhóm hiểu rằng những người vô gia cư rất cô đơn, khi họ nhận được một chút quan tâm về vật chất hay tinh thần, thì đều cảm động. Bạn Thu Phương tâm sự: "Tự nhiên có người không quen biết, mang quà đến cho họ hàng tuần, có người nghĩ đó như phép màu đối với họ. Sau khi tặng quà, chúng em dặn các ông, bà, cô, bác ấy rằng, thứ Bảy hàng tuần chúng cháu sẽ mang quà đến. Ai cũng vui lắm!".
Làm từ thiện không dễ
Đó là lời khẳng định của "thủ lĩnh" nhóm "Ấm", bởi đã có những người từ chối nhận sự giúp đỡ của nhóm. Đúc rút những kinh nghiệm, nhóm đã phải "tiền trạm" trước để nắm bắt tâm lý của những người mà họ hướng đến. Bởi người vô gia cư cũng có nhiều thành phần, làm sao chuyện làm từ thiện phải thật tế nhị. Nguyên tắc của nhóm là: Đi theo nhóm nhưng không được gây ồn; không bấm còi, rọi đèn; chỉ cử hai hoặc ba người mang quà đến tặng, số người còn lại đứng đợi; nếu có chụp ảnh thì phải xin phép và không bật đèn flash. Các thành viên của nhóm luôn bảo nhau, đi đứng làm sao cho đàng hoàng, ăn nói lịch sự, để người nhận quà không cảm thấy bị tổn thương, không thấy mình như kẻ nhận đồ bố thí. Để họ sẵn sàng cởi mở, tâm sự và sẻ chia.
Càng làm từ thiện, các thành viên của nhóm càng nhận ra ở đời có nhiều người nghèo khó và rất dễ bị lạm dụng, trong đó có nhiều em bé lang thang, ngủ đêm ở gầm và trên cầu Long Biên. Nhiều đứa thì bị chăn dắt, có bảo kê sai khiến. Có đứa luôn phải trốn tránh để không rơi vào tay bất kỳ "bảo kê" nào. Hoàng Thảo cho biết: "Em thấy có bé gái mới 13 tuổi đã đi hành nghề mại dâm. Muốn tiếp cận, nói chuyện với các em đó cực khó, vì chúng không muốn ai biết đến mình, biết đến chỗ ở của chúng."
Để giúp thêm những hoàn cảnh và các mảnh đời ở bệnh viện, vùng sâu vùng xa, nhóm "Ấm" đang kết hợp với nhiều cá nhân, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức để tạo sức mạnh cộng đồng, cùng chung tay hướng đến mục đích thiện nguyện. Không tính toán, không khoa trương, hiện tại những thành viên của nhóm "Ấm" vẫn chỉ nhận mình đang làm những việc nhỏ nhất, phù hợp với sức lực của mình, bằng tấm lòng chân thật hướng đến những thân phận, con người có hoàn cảnh éo le. Với cách làm không giống với bất cứ nhóm thiện nguyện nào trước đó, "Ấm" đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm, và ngày càng nhiều bạn trẻ đến với nhóm, cùng đồng hành trong những đêm "sưởi ấm trái tim người nghèo".