Trước thềm năm mới, ông đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về xu hướng xuất bản sách ở Việt Nam.
Có nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc của Việt Nam những năm gần đây xuống cấp nghiêm trọng. Ông suy nghĩ thế nào về nhận định này?
- Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng văn hóa đọc của Việt Nam xuống cấp. Nói đến văn hóa đọc chúng ta hãy trở lại khái niệm cơ bản của nó. Lúc đầu, người ta cho rằng văn hóa đọc là những người đọc sách có văn hóa, biết lựa chọn sách hay, bổ ích; trong một khoảng thời gian ngắn thu thập được nhiều thông tin; đọc những sách bổ ích để nâng cao tri thức hoặc giải trí… Nhưng hiện nay, nhiều người coi văn hóa đọc còn bao gồm cả vốn sách. Khi quỹ sách của xã hội xuất hiện nhiều sách vô bổ, không có giá trị, thậm chí độc hại, thì người ta cho rằng văn hóa đọc xuống cấp.
Mặt khác, hiện nay chúng ta ít gặp cảnh đọc sách trong công viên, hay đi tàu, máy bay một cách mải mê, say sưa như ngày xưa, thì vội kết luận rằng văn hóa đọc xuống cấp. Thực chất, trong nhịp sống hiện đại, con người có rất nhiều cách tiếp nhận thông tin từ các phương tiện khác như internet, báo, tạp chí, sách điện tử… Hay nhìn vào một bộ phận thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên đang dành nhiều thời gian vào những cuốn sách vô bổ, thậm chí những sách có hại mà coi văn hóa đọc xuống cấp thì không đúng. Nhưng có hiện tượng đáng buồn là những cuốn sách không có chất lượng cao vẫn được một bộ phận người đọc tìm mua, thậm chí sách "có vấn đề" càng được họ lùng mua.
Rõ ràng, định hướng cho người đọc những cuốn sách có giá trị là điều cần thiết. Vậy, Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2012 - giải thưởng thường niên của Hội Xuất bản Việt Nam, hướng đến điều ấy cho độc giả như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, Giải thưởng Sách Việt Nam là giải thưởng sách toàn diện nhất với 8 mảng sách, gồm: Lý luận - chính trị, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, khoa học xã hội & nhân văn, khoa học công nghệ, thiếu nhi, văn học và sách dịch. Mặt khác, Hội đồng xét giải tập hợp tới 21 nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, có bề dày công tác lâu năm trong các lĩnh vực. Đây là một giải thưởng có uy tín và đáng tin cậy.
Các tác phẩm hay được nhiều bạn đọc quan tâm. Ảnh: Tuấn Anh
Những cuốn sách được đề nghị trao giải đều là tác phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, độc giả có thể biết những tác phẩm nào có giá trị cao ở từng lĩnh vực, từ đó giúp họ lựa chọn những cuốn sách theo nhu cầu ở 8 mảng sách. Minh chứng là qua 8 mùa giải, nhiều cuốn sách được vinh danh đều bán rất chạy như "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Mãi mãi tuổi hai mươi" (Nguyễn Văn Thạc), "Đội gạo lên chùa" (Nguyễn Xuân Khánh)... Qua đây, người đọc cũng có thể tìm đến các nhà xuất bản có nhiều sách hay.
Nhiều năm giữ cương vị Cục trưởng Cục Xuất bản, bây giờ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét giải thưởng Sách Việt Nam, ông nhận định thế nào về xu hướng xuất bản sách ở nước ta?
- Qua giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8, có thể thấy ngành xuất bản đã bắt đầu có những đầu tư dài hạn, quy mô hơn, nghiên cứu sâu hơn. Năm 2010 chúng ta có bộ "Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long" do GS. Vũ Khiêu chủ biên dài hơn 10.000 trang khổ lớn với 4 tập. Năm nay, chúng ta lại có một số bộ sách, công trình rất công phu, trong đó phải kể đến bộ "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" gồm 2 tập và được bổ sung, minh họa bằng 2 công trình "Biên niên lịch sử Nam Bộ kháng chiến" và "Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến" với trên 5.000 trang khổ lớn. Đây là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc với khối lượng tư liệu phong phú, đa dạng, có độ tin cậy cao. Trong đó, có nhiều tư liệu mới, tư liệu gốc được khoảng 1.200 học giả, nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau.
Năm nay, tính cập nhật thông tin của các cuốn sách rất cao như vấn đề biến đổi khí hậu hay biển đảo. Nếu như trước đây sách thường phản ánh những vấn đề có tính chất sâu lắng, có độ lùi thời gian thì giờ đây đề cập trực diện đến những vấn đề nóng, khá cập nhật, có xu hướng như thông tin báo chí.
Hiện nay, xu thế hội nhập đang là xu hướng lớn. Vì thế, các nhà xuất bản Việt Nam ngày càng cho ra đời nhiều cuốn sách dịch từ những tác phẩm có giá trị của các tác giả nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng xuất bản sách điện tử cũng đã được các nhà xuất bản chú ý.
Sách điện tử dường như đang ngày càng chiếm ưu thế. Có người cho rằng đây là nguyên nhân khiến sách bớt đi độc giả, thậm chí đến một lúc nào đó, sách điện tử sẽ lấn át gần hết sách in?
- Đúng là sách điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và đang cạnh tranh với sách in, nhưng đó là một nguyên nhân phụ bởi không phải ai cũng đọc và mua được sách điện tử. Vì hiện nay mỗi thiết bị sách điện tử có giá từ 200 - 400 USD như một thư viện chứa khoảng 2.000 - 3.000 đầu sách, nên chỉ phù hợp với những người ưa chuộng và thông thạo công nghệ thông tin, giới trẻ và người có nhiều tiền. Đối với người già, trẻ em, người thu nhập thấp, sách truyền thống vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Thế nên, ngay ở các nước phát triển, sách in vẫn có chỗ đứng của nó.
Theo tôi, lý do người đọc sách in giảm đi là vì thời gian của họ bị chi phối vào mạng internet và các phương tiện nghe nhìn khác. Đời sống công nghiệp khiến người ta ít thời gian đọc sách hơn. Nguyên nhân nữa là thị hiếu đọc hiện nay có sự khác biệt, phân tầng ngày càng mạnh nên nhiều loại sách được xuất bản để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu như trước đây chỉ xuất bản 3.000 - 5.000 tên sách một năm (những năm 1960 - 1980) thì bây giờ mỗi năm có khoảng 25.000 - 26.000 tên sách được xuất bản. Trước đây, tính theo đầu sách xuất bản bình quân chưa đến một bản sách/người, nay là 3 bản sách/người. Do đó, người mua có rất nhiều lựa chọn khác nhau, kể cả sách tái bản nên giỏ hàng lớn, rất phong phú, buộc nhà xuất bản phải giảm số lượng cho từng mặt hàng. Vì vậy, một số người hiểu lầm là sách bán được ít.
Vậy tại sao tình trạng sách in lậu vẫn diễn ra tràn lan? Liệu có phải Luật của ta chưa đủ mạnh?
- Nguyên nhân sách in lậu vẫn tràn lan trên thị trường là vì chúng ta chưa kiểm soát được nơi sản xuất sách lậu. Theo tôi, Luật Xuất bản của chúng ta đã đủ mạnh, nhưng việc thực thi luật quá yếu. Tổng cục Cảnh sát có quy định ở nơi nào xảy ra tình trạng in và bán sách lậu thì cảnh sát khu vực và công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Nếu làm đúng quy định chắc chắn tình trạng này sẽ được cải thiện. Tất nhiên, thói quen thi hành pháp luật phải được hình thành qua năm tháng, nhưng phải được cưỡng chế thi hành thì mới tiến tới tự giác được. Bởi nếu để tự giác thì vì lợi ích người ta vẫn cứ phớt lờ các quy định của pháp luật. Ví như việc bày bán sách lậu trên vỉa hè vẫn tồn tại ngang nhiên, nhưng thanh tra, công an phường, quản lý thị trường cứ làm ngơ. Và khi họ bán được nhiều thì càng thúc đẩy việc in lậu.
Xin cảm ơn ông!