Nón lá Đại Áng trước nguy cơ thất truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lịch sử hàng trăm năm và vẫn được không ít người biết đến, tuy nhiên, việc gìn giữ làng nghề nón lá truyền thống tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang đứng trước nhiều thách thức.

Thôn Vĩnh Thịnh (còn gọi là thôn Kẻ Vành), vào những buổi chiều tối, một hình ảnh dễ gặp là các bà, các mẹ cùng nhiều cháu nhỏ ngồi quây quần trước cửa nhà. Mỗi người một việc, thoăn thoắt khâu, đan những chiếc nón lá. Không quá cầu kỳ và tinh xảo, tuy nhiên, để tạo ra một chiếc nón vẫn cần rất nhiều công sức. Thông thường, trẻ nhỏ và người già sẽ bóc lá, người tuổi trung niên chẻ tre, quấn vòng. Còn phụ nữ - khéo tay hơn, có nhiệm vụ lợp và khâu nón.
Nón lá Đại Áng trước nguy cơ thất truyền - Ảnh 1
 
Vừa đưa nôi ru cháu ngủ, bà Nguyễn Thị Bay (51 tuổi), ở xóm 2, vừa nhanh tay khâu viền cho những chiếc nón lá. Trung bình mỗi ngày, bà Bay có thể đan được 3 chiếc nón, trừ chi phí nguyên liệu, tiền công thu về khoảng 25.000 - 30.000 đồng. Lợi nhuận tuy không cao nhưng trong bối cảnh thu nhập từ công việc đồng áng không nhiều, lại có phần bấp bênh, thì đan nón đã trở thành “cứu cánh” giúp gia đình bà phần nào trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Trưởng thôn Vĩnh Thịnh - Nguyễn Bá Ky cho biết, cả thôn hiện có khoảng 800 hộ thì có tới 90% gia đình có người làm nón. Đầu những năm 2000 được xem là giai đoạn cực thịnh của nghề làm nón thôn Vĩnh Thịnh, nhiều gia đình phất lên nhanh chóng nhờ nghề này. Những chiếc nón nghệ thuật, bộ nón 5 chiếc với đường kính từ 10 - 40cm được khách du lịch rất ưa chuộng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm nón “mất giá”, thu nhập từ nghề giảm sút nhanh chóng. Hiện, phần lớn người theo nghề là người già, trung niên, học sinh hoặc phụ nữ đang ở thời kỳ chăm con nhỏ. Thanh niên và người có sức khỏe thường chọn buôn bán hoặc đi làm thuê để có thu nhập cao hơn… Nón lá Vĩnh Thịnh chủ yếu được bán cho tiểu thương đưa đi phân phối tại những khu chợ đầu mối. Nhưng nhìn chung, đầu ra cho sản phẩm này hiện vẫn khá bấp bênh.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, nghề làm nón lá đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các thôn Vĩnh Thịnh, Vĩnh Trung. Tuy nhiên, nguồn thu này chưa cao. Người dân không thể “trông” vào nghề đan nón để sống, mà thường chỉ tận dụng những khi nông nhàn, rảnh rỗi cuối tuần để làm, kiếm thêm thu nhập. Xã cũng đưa việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “làng du lịch sinh thái - khoa bảng” trong những năm tới. Theo ông Hưng, để vực dậy được làng nghề, rất cần lãnh đạo các cấp từ huyện đến TP quan tâm đầu tư, có chính sách hỗ trợ thực hiện việc giữ nghề theo dạng bảo tồn. Đồng thời, giới thiệu và quảng bá để nón lá Đại Áng trở thành một “sản phẩm du lịch”, tiến tới có thể vươn ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch và chính ngạch như một số mặt hàng truyền thống ở các địa phương khác.

Được biết, năm 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã có đề án về việc bảo tồn và khôi phục 21 làng nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền, trong đó có làng nón lá Đại Áng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Đại Áng, đến nay, đề án này vẫn chưa “đến” được với địa phương. Do đó, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm để đề án sớm được triển khai sâu rộng, góp phần bảo tồn một làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần