Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nóng” bài toán biên chế giáo viên

Thủy Trúc – Lệ Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tại đây, đại diện nhiều địa phương bức xúc chuyện giảm 10% biên chế giáo viên trong khi hiện nay cả nước thiếu gần 40.000 giáo viên (GV) các cấp.

 Cô và trò trường THCS Trưng Vương. Ảnh: Hải Linh
Nghịch lý thiếu giáo viên, giảm 10% biên chế
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa phù hợp. Hiện vẫn còn tình trạng thừa/thiếu cục bộ GV các môn học, cấp học và tại các địa phương. Cụ thể, cả nước hiện thiếu 34.641 GV mầm non và 5.315 GV tiểu học; nhưng lại thừa 12.165 GV THCS và 4.260 GV THPT.
Toàn TP có 62% trường chuẩn quốc gia và 16 trường chất lượng cao. TP cũng xem xét giảm chi ngân sách cho các trường chất lượng cao để tiến tới lộ trình các trường sẽ chủ động theo tinh thần Nghị định 16 của Chính phủ. Cũng trong năm 2018, Hà Nội dành gần 19.000 tỷ đồng cho ngành giáo dục, trong đó chi đầu tư 19%, chi thường xuyên khoảng 32%; xây dựng 66 trường mới, 2.622 trường học được cải tạo. TP cũng thực hiện và nâng cấp bộ giáo trình về nếp sống văn minh, thanh lịch; thí điểm đưa giáo dục an toàn giao thông vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Năm học 2018 – 2019, TP sẽ triển khai toàn diện tại tất cả các trường trên địa bàn nhằm giúp học sinh sau tốt nghiệp phổ thông sẽ nắm chắc luật giao thông và tham gia giao thông an toàn. Năm học này, TP tiếp tục thực hiện đào tạo song bằng tại 8 trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý
“Một số địa phương đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc tuyển dụng, bố trí, phân công GV, gây bức xúc trong đội ngũ GV và xã hội. Điển hình như vụ việc hợp đồng lao động đối với GV ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết 19 của T.Ư về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, nhiều địa phương rất bức xúc. Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho biết: Ngành giáo dục Kiên Giang thiếu từ 700 – 1.000 GV các cấp, nhất là GV mầm non.
“T.Ư yêu cầu không ký hợp đồng lao động, nhưng nếu không làm thì không có GV dạy học. Chúng tôi hỏi UBND tỉnh, nhưng không ai trả lời. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, chúng tôi vẫn ký hợp đồng với GV, nhưng luôn băn khoăn làm như vậy có đúng quy định không” – bà Giang chia sẻ và đề nghị căn cứ vào quy mô trường lớp, nên giao biên chế GV cho chính quyền địa phương quyết định.
Cũng vướng về biên chế GV, Phó Chủ tịch UBND Phú Thọ Hà Kế San cho biết, tỉnh này đang gặp khó trong sắp xếp lại hệ thống trường lớp, tinh giản GV. Nếu tinh giản 10% từ nay đến năm 2021, Phú Thọ sẽ giảm trên 2.400 GV, trong khi GV mầm non đang thiếu trầm trọng.
 Giờ học Toán học sinh trường THCS Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh
Giảm biên chế những người làm việc gián tiếp

Để giải bài toán thiếu GV trong khi số học sinh ngày càng tăng, nhiều địa phương đưa ra giải pháp chuyển các trường công lập sang tư thục. Thế nhưng, chính sách của Nhà nước về nội dung này chưa rõ, gần như không có quy định, nghị định hướng dẫn; khiến nhiều tỉnh đang loay hoay thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều người hiểu Nghị quyết 19 quy định cắt giảm 10% GV biên chế là chưa chuẩn xác. Nghị quyết nêu rõ là chia theo các thời kỳ, từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách. Nghĩa là, nếu có cơ chế các đơn vị sự nghiệp nói chung và giáo dục nói riêng có thể tự chủ về lương, sẽ không tính họ vào biên chế truyền thống.

Thứ nữa, việc tinh giản biên chế, trước hết, tập trung vào giảm mạnh đội ngũ gián tiếp, tinh thần chung là phải đủ GV để dạy. Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường cũng phải trên cơ sở tình hình của các địa phương, trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình.
Phấn đấu cho các cháu học 2 buổi/ngày, sĩ số không được đông hơn mức cần thiết để đảm bảo chất lượng. “Ngay bây giờ phải giải quyết câu chuyện biên chế ở một số nơi. Những nơi đang thiếu GV vẫn phải tuyển, nhưng đảm bảo trung bình từ nay đến năm 2021 giảm được 10% biên chế trên cả nước” – Phó Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo tình hình GV trên cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị địa phương chỉ đạo các trường thường xuyên báo cáo để cập nhật tình hình. “GV không chỉ đơn thuần là tính trên tổng biên chế của tỉnh, bởi có nhiều trường hợp tổng biên chế của tỉnh thừa nhưng có huyện lại thiếu, nhất là GV phổ thông. Tuy nhiên, không thể điều GV từ TP thuộc tỉnh về huyện xa dạy được vì họ còn gia đình, chỗ ở” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Gíáo dục và đào tạo vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần phải nghiêm túc xem xét rút kinh nghiệm. Đó là tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống... cho học sinh còn hạn chế; cá biệt một số GV, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của phụ huynh, bức xúc trong xã hội. Tình trạng lạm thu đầu năm học còn diễn ra ở nhiều địa phương. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra. Công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 còn một số hạn chế, thiếu sót.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Trong năm học 2018 – 2019, ngành gíáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành mới định mức số lượng người làm việc theo vị trí việc làm ở các cơ sở gíáo dục và đào tạo theo chủ trương tinh giản biên chế của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của T.Ư và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV, có phương án phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là ở những vùng tăng trưởng "nóng" về quy mô học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng