“Nóng” chuyện bản quyền, thu phí âm nhạc qua truyền hình

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức phạt vi phạm bản quyền được nâng lên 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng với tổ chức; các đơn vị được ủy nhiệm thu tác quyền phải có quyền lợi và nghĩa vụ với các bên liên quan chứ không “thả nổi” thiếu minh bạch thu chi như thời gian qua – đó là nội dung được nhấn mạnh trong hội nghị diễn ra sáng 11/4 để triển khai Nghị định 22/2018/NĐ, có hiệu lực từ 10/4.

VTV thu 500 triệu đồng tiền bồi thường/năm
Tình trạng bị xâm phạm bản quyền ở Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang rất nóng. Nhiều đơn vị sử dụng sản phẩm của nhà đài trên internet đã tự ý cắt cúp và chèn quảng cáo, đặc biệt diễn ra ở những chương trình truyền hình thực tế đang “hot” như: The Voice, Đồ rê mí, Tìm kiếm Tài năng Việt Nam… Hay nhiều bộ phim truyền hình “ăn khách” như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” bị nhiều công ty truyền thông lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên kênh riêng. Trong tháng đầu tiên, khi VTV mới phát sóng 2 bộ phim này đã có 400 trang facebook và youtube cá nhân phát trực tiếp 2 bộ phim trên. Các hành vi vi phạm bản quyền khiến VTV chịu tổn thất lớn, nhiều đối tác nước ngoài quyết định ngừng hợp tác với VTV trong việc phát sóng giải bóng đá Champions League và Europa League…
 Việc sử dụng dữ liệu âm nhạc qua Truyền hình mà không trả phí bản quyền khá phổ biến ở Việt Nam. 
Theo ông Nguyễn Thanh Vân - phụ trách bộ phận sở hữu trí tuệ Ban Kiểm tra của VTV, hiện nay đơn vị này vẫn "đơn thương độc mã" trong việc chống vi phạm bản quyền. Các vụ việc được xử lý chủ yếu do đơn vị này lắp đặt các thiết bị dò tìm. Đại diện VTV cũng “chỉ điểm” những DN tên tuổi, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV là FPT, Viettel… Chỉ tính riêng trong năm 2017, VTV đã thu về 500 triệu đồng tiền bồi thường vi phạm bản quyền của 2 DN viễn thông.

Không chỉ trong lĩnh vực truyền hình, mà còn nhiều lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật… đều gặp không ít thách thức. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra muôn hình vạn trạng, khiến lực lượng thanh tra khó nắm bắt. Tuy nhiên, với sự ra đời của Nghị định 22, mức độ xử phạt được nâng lên, trách nhiệm của các bên liên quan cũng được quy định rõ hơn, các đơn vị được ủy quyền thu tác quyền không chỉ có nghĩa vụ thu tiền mà còn bảo vệ quyền lợi cho tác giả, danh mục thu chi đòi hỏi minh bạch rõ ràng hơn… Theo ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Nghị định 22 sẽ tạo những bước tiến mới để bảo vệ giá trị sở hữu trí tuệ.

Sắp thu lại phí âm nhạc qua truyền hình

Nóng nhất vấn đề thu tác quyền âm nhạc trong thời gian qua là cuộc thỏa thuận thu tác quyền âm nhạc qua truyền hình tại các khách sạn không thành của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Gần một năm sau phản ứng của các DN du lịch Đà Nẵng, VCPMC phải dừng thu tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn chỉ vì không có đầu đếm các tác phẩm phát ra. Tuy nhiên, trong hội nghị sáng 11/4, ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định có nhiều DN công nghệ sẵn sàng cung cấp công nghệ kiểm đếm các tác phẩm phát ra. “Phần mềm xác định chi tiết một ngày có bao nhiêu tác phẩm trên tivi, ca sĩ nào thể hiện, phát giờ nào, tác phẩm thuộc băng đĩa do ai phát hành, thời lượng được trình chiếu... Các đơn vị muốn thỏa thuận được tác quyền âm nhạc với các DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn thì buộc phải đầu tư công nghệ kiểm đếm này” – ông Hùng cho biết.

Theo thông tin từ Cục Bản quyền tác giả, đã có một số đơn vị sử dụng công nghệ kiểm đếm. Cục dự định tư vấn phương pháp này đối với các chương trình truyền hình và đã có đơn vị thực hiện. Những nội dung khai thác từ internet đang được nghiên cứu theo lộ trình. Ngoài ra, hiện nay VCPMC đã xây dựng lộ trình thu tác quyền âm nhạc qua tivi ở các khách sạn sau thời gian gián đoạn. Biểu mức tiền thu có còn ở mức 25.000 đồng/tivi/phòng như trước kia sẽ còn phải bàn tính. Cục Bản quyền tác giả sẽ xem xét tư vấn và đề nghị các đơn vị thỏa thuận theo vấn đề dân sự. Và Nghị định 22 sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc cho tác giả sở hữu tác phẩm, đơn vị được ủy quyền thu tác quyền và đơn vị thực thi tác quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Sau hội nghị triển khai Nghị định ngày 11/4, Cục Bản quyền sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định tại khu vực miền Trung và miền Nam.