“Nóng” chuyện tuyển dụng và tinh giản biên chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tinh giản biên chế (TGBC) chính là cơ hội để phát huy được hết năng lực sở...

Kinhtedothi - “Tinh giản biên chế (TGBC) chính là cơ hội để phát huy được hết năng lực sở trường của mỗi người trên từng lĩnh vực của mình, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC), chứ tinh giản không phải là đẩy cán bộ ra ngoài”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ này tổ chức hôm nay 7/5 tại Hà Nội.

Đưa được 2  người ra, lấy 1 vào

Xung quanh câu hỏi liệu việc triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị vừa ban hành có đạt được mục tiêu như đề ra hay không, và việc giám sát thực hiện tại các đơn vị thế nào, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: Thực ra từ trước, Nhà nước đã đặt ra tỷ lệ % cần TGBC chứ không phải đến thời điểm này mới đặt mục tiêu phấn đấu. Song theo phản ánh của dư luận, tỷ lệ CC không làm được việc hiện lên tới 30%, những theo báo cáo gửi về Bộ Nội vụ của các bộ ngành địa phương thì đều cho biết CC hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ.

Trước thực tế này, sau khi nghiên cứu, Bộ Nội vụ đã đặt ra một tỷ lệ khiêm tốn để các bộ ngành địa phương lấy làm “mốc” khi xây dựng kế hoạch TGBC là đạt tỷ lệ tối thiểu 10%, thực hiện trong 7 năm (2015-2021), và đã được TƯ phê duyệt. Đây là một trong những giải pháp để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu TGBC. Trước đây, khi Chính phủ ban hành Nghị định 132, việc thực hiện TGBC vẫn có tình trạng tuyển bao nhiêu đều lấy vào bấy nhiêu. Do đó, đợt này Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Cứ 2 người đưa được ra khỏi đội hình thì chỉ lấy vào 1 người, nên chắc chắn sẽ đảm bảo được tinh giản biên chế theo mục tiêu.
 
“Nóng” chuyện tuyển dụng và tinh giản biên chế - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp.
Bên cạnh đó, chủ trương đặt ra là việc TGBC phải do các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chứ cấp trên không áp đặt. Có một số yếu tố giúp TGBC thành công, trong đó có việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc thực hiện TGBC, liên quan đên đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Đồng thời, các đơn vị không thực hiện được tỷ lệ TGBC thì khi thành lập các tổ chức mới theo nhiệm vụ thì sẽ không giao biên chế nữa mà phải tự điều hòa trong đơn vị.

Đáng chú ý, ông Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng và sắp trình Chính phủ ban hành nghị định về đánh giá phân loại cán bộ CC, trong đó quy định rất cụ thể các tiêu chí để phân loại CBCC-làm công cụ cho người đứng đầu đánh giá CC thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, cán bộ có vi phạm kỷ luật lao động không, có hoàn thành công việc được giao hay không…- cứ “dính” vào một tiêu chí nào trong đó thì coi như cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ. Người lãnh đạo theo dõi, quản lý và kiểm soát điều này, để đảm bảo việc thực hiện phân loại CC khách quan, công bằng. Đây chính là cơ sở để hỗ trợ không những riêng cho việc TGBC mà còn giúp xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, phân biệt được giữa người làm tốt, tận tụy trách nhiệm với người làm lười biếng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

“Việc TGBC của nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Công tác này đòi hỏi người đứng đầu phải có nhiều bản lĩnh trong việc đánh giá phân loại CBCC để đưa vào danh sách tinh giản, đảm bảo đúng đối tượng, lại phải đảm bảo đoàn kết trong nội bộ, đơn vị vẫn phải đảm bảo ổn định để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng ta phải đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vào trách nhiệm thẩm quyền của người đứng đầu, và bản thân từng CBCCVC phải nhận thức được rõ điều đó”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng, “ai cũng có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời”, không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Một người làm việc trong đội ngũ CC thì chưa chắc đã phát huy được năng lực của mình, nhưng nếu chuyển sang lĩnh vực khác thì lại làm rất tốt. Do đó, “TGBC cũng chính là cơ hội để tạo điều kiện phát huy được hết năng lực sở trường của mỗi người trên từng lĩnh vực của mình, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, chứ tinh giản không phải là đẩy cán bộ ra ngoài. Thế nên trong Nghị định 108 về TGBC đã quy định có 5 chế độ khi thực hiện chính sách này: Nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay, cho đi đào tạo rồi mới giải quyết dời khỏi đội ngũ, với lãnh đạo quản lý thì được giữ nguyên phụ cấp hoặc hưởng chính sách khi hợp nhất các tổ chức hoặc bố trí sang những vị trí có phụ cấp tương đương, hoặc tạo điều kiện cho những người đó chuyển sang những tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nói như vậy để thấy rằng, TGBC còn phải đảm bảo tính nhân văn, đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ công vụ thì không có nghĩa chúng ta không cần quan tâm sau này họ làm gì thì làm”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.

Hà Nội tiến hành tuyển dụng công chức đúng quy định

Xung quanh việc tuyển dụng CC không qua thi đối với các thủ khoa, người tốt nghiệp đại học (ĐH) và sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định: Việc xét tuyển đặc cách không qua thi theo quy định tại Nghị định 24, chúng ta không nên đánh giá, tốt nghiệp ở nước ngoài bao giờ cũng giỏi, còn tốt nghiệp ở trong nước thì không. Khi một người đã có trình độ ĐH thì cần được nhìn nhận công bằng, cũng như khi tuyển dụng không thể phân biệt giữa bằng tại chức hay bằng chính quy-pháp luật không cho phép như vậy.

Riêng với Hà Nội, ngay sau khi có kết quả sát hạch được dư luận rất quan tâm, tôi trực tiếp nghe lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội báo cáo: Những trường hợp không trúng tuyển là do bản thân họ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí cần tuyển. Đoàn kiểm tra của Vụ CCVC của Bộ đã đến kiểm tra và thấy rằng Hà Nội đã tiến hành tuyển dụng đúng quy định trình tự, đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan.

Tuyển dụng không qua thi là chính sách thu hút người có năng lực vào và đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, với điều kiện năng lực phù hợp với công việc đó, chứ không thể một người có bằng thạc sỹ toán học lại bố trí về làm công tác tổ chức cán bộ thì không thể phát huy khả năng của mình. Muốn đáp ứng yêu cầu công việc, đòi hỏi đầu tiên là lĩnh vực được đào tạo phải phù hợp với lĩnh vực công tác, gắn liền với chuyên môn nghiệp vụ. Học một đằng đi làm một nẻo thì chính là tạo ra lãng phí xã hội. Các bộ ngành địa phương đều triển khai tuyển CC theo đúng Luật CBCC, trong đó có cả các hoạt động tuyển dụng không qua thi. Nếu xảy ra sai phạm, Bộ Nội vụ nhận được thông tin sẽ đến kiểm tra ngay, phát huy hết trách nhiệm để phát hiện, làm rõ đúng sai theo đúng thẩm quyền phân cho các bộ ngành, địa phương, từ đó giúp các địa phương tổ chức tuyển dụng CC đúng pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần