Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Hà Nội đi đầu trong sản xuất an toàn

Ánh Ngọc - Thiên Tú (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cho biết như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện định hướng sản xuất cho hội viên nông dân hiện nay nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2016).

Xây dựng nhiều phong trào, mô hình phát triển kinh tế
Ông đánh giá như thế nào về đời sống của nông dân Thủ đô hiện nay?
- Trong 9 tháng đầu năm 2016, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đạt 2,1%. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Do đó, đời sống của nông dân Thủ đô ngày càng được nâng cao. Thu nhập, điều kiện sống và làm việc của  nông dân được cải thiện. Nông dân Thủ đô rất phấn khởi trước sự phát triển kinh tế của Thủ đô, sự quan tâm của lãnh đạo TP đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tuy nhiên, nông dân Thủ đô cũng rất quan tâm, lo lắng về tình trạng vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng tràn lan trên thị trường và công tác quản lý ATTP vẫn chưa được kiểm soát chặt đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất, thu nhập của nông dân. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng gây nhiều bức xúc và một bộ phận nông dân bỏ ruộng đi làm việc khác có thu nhập cao hơn còn diễn ra ở một số nơi.
Lại nói về câu chuyện ATTP, đây được coi là vấn đề trọng tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp trong năm 2016. Vậy, Hội Nông dân TP đã triển khai các hoạt động gì để vận động nông dân sản xuất an toàn, thưa ông?
- Xác định ATTP là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm, Hội đã phát động cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Cuộc vận động này đang được các cấp hội đẩy mạnh thực hiện và đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, đa số hội viên nông dân đã nhận thức được vấn đề sản xuất an toàn và có ý thức xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn. Cùng với đó, Hội Nông dân TP còn phối hợp với các sở, ngành giúp nông dân xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho gần 20 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng.
Ông có thể đánh giá về sức lan tỏa của các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đối với hoạt động sản xuất của nông dân ở ngoại thành hiện nay?
- Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP đã xây dựng 166 mô hình kinh tế tập thể, 1.394 mô hình kinh tế hộ. Đồng thời, hỗ trợ nông dân xây dựng trên 1.122 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn. Việc thực hiện các mô hình sản xuất an toàn mang lại rất nhiều lợi ích như kích thích sản xuất, tăng thu nhập và tạo nhiều việc làm cho nông dân. Trong đó phải kể đến các mô hình nổi bật như: Sản xuất rau an toàn tại xã Duyên Hà (Thanh Trì), Tiền Yên (Hoài Đức), Văn Đức (Gia Lâm); chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì; nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Thanh Oai… Thông qua những mô hình điểm, ý thức sản xuất đúng quy trình, đảm bảo ATTP của hội viên nông dân trên địa bàn TP ngày càng được nâng cao.
Vì một nền nông nghiệp sạch Thủ đô
Vậy theo ông, làm thế nào để quản lý tốt hơn vấn đề ATTP trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô?
- Trước hết, Hội Nông dân TP kiến nghị các sở, ngành cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất VTNN nhằm ngăn chặn phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, bởi ngoài nông sản thực phẩm sản xuất tại chỗ, còn một lượng lớn nông sản được đưa từ các tỉnh khác về Hà Nội. Bên cạnh đó, các điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng phải kiểm soát nghiêm ngặt thì sản phẩm thịt động vật mới được quản lý tốt. Theo tôi, công tác quản lý ATTP phải được thực hiện đồng bộ từ văn bản quy định của Nhà nước đến việc triển khai, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ T.Ư tới cơ sở. Phải thừa nhận trên thực tế hiện nay, công tác quản lý ATTP vẫn bị chồng chéo giữa các bộ, ngành. Nếu không có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quản lý thì vẫn không thể có thực phẩm an toàn.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện

Thứ ba, phải đảm bảo nguồn nước sạch cho sản xuất nông nghiệp. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì không thể có sản phẩm an toàn. Trên địa bàn TP hiện nay, chỉ số ít địa phương sử dụng nguồn nước sông Hồng để tưới rau màu còn lại đa phần phải sử dụng nguồn nước từ sông Nhuệ, sông Đáy mà hai con sông này đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm.
Là tổ chức sát cánh cùng hội viên nông dân, thời gian tới, Hội Nông dân TP có giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất an toàn?
- Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức được và tự giác trong sản xuất an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, tăng cường liên kết với các Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và khai thác tối đa nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, Hội sẽ đứng ra kết nối các DN liên kết với nông dân để xây dựng các vùng sản xuất tập trung và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngoài ra, Hội sẽ kịp thời kiến nghị với T.Ư, TP các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân. Tôi tin rằng, nếu thực hiện tốt 4 giải pháp này, chắc chắn nông dân sẽ yên tâm sản xuất, tạo ra các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, để quản lý được chất lượng, ATTP và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đòi hỏi các cấp Hội phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu đạt mục tiêu nông dân Hà Nội đi tiên phong trong sản xuất an toàn.
Xin cảm ơn ông!