Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân phải thay đổi tư duy để hội nhập

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu - từ tư duy đến hành động”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt của giai cấp nông dân đối với quá trình phát triển đất nước và vai trò của nông nghiệp với nền kinh tế quốc dân.

Trong 30 năm qua, dù trải qua những thời điểm khó khăn nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp vẫn còn mẫu thuẫn nội tại cần sớm tìm ra giải pháp giải quyết, đó là năng suất thấp, rủi ro cao và sản xuất nhỏ, thị trường lớn.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh ưu điểm về thị trường lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều. Năng suất lao động, vấn đề phát triển không bền vững vì ô nhiễm môi trường nông thôn và chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa làm ra ở nhiều nước nhiều nơi vẫn chưa làm yên lòng thị trường, ngay cả với những người tiêu dùng trong nước.

Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ mới và thông tin thị trường ở sản xuất nông nghiệp đã được nhiều DN và nông dân giỏi ứng dụng thành công. Tuy nhiên, nhìn toàn cục nền nông nghiệp, chúng ta cũng phải nói một cách thẳng thắn rằng đây vẫn là khâu yếu.

Trong thời gian tới, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt cho nền kinh tế nước ta và nông nghiệp nói riêng. Thách thức lớn nhất và trực tiếp nhất là sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: Quốc gia, DN và sản phẩm.

Dự báo, các sản phẩm chăn nuôi, ngô, mía đường, thức ăn gia súc sẽ gặp bất lợi ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân. “Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết, diễn đàn được tổ chức nhằm tạo không gian gặp gỡ, chia sẻ và đối thoại tập trung, cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, DN và nông dân. Đồng thời, cập nhật và phản hồi thông tin về cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan đến nông dân nhằm đảm bảo cùng hiểu đúng và đồng thuận trong quá trình thực thi.

Ông Lại Xuân Môn cũng đưa ra một số vấn đề lớn liên quan đến nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Đó là: Bối cảnh hội nhập và những yêu cầu đặt ra đối với người nông dân Việt Nam; vấn đề chất lượng và ATTP của các mặt hàng nông sản Việt Nam cả cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; liên kết giữa nông dân với DN; cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới…

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã bàn thảo, đề xuất các giải pháp giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vững vàng hội nhập với khu vực và thế giới. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất và thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân theo hướng liên kết chuỗi, đảm bảo ATTP, tăng sức cạnh tranh cho nông sản…

Đáng chú ý, tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cam kết sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 có 24 nông dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 37 nông dân nhận bằng khen của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.