Tốc độ tăng trưởng đạt 2,65%
Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19 là thiên tai khốc liệt dị thường; dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn… đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù vậy, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, quyết liệt hành động với nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Nhờ đó năm 2020, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trong đó, có 9 nhóm mặt hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực với3.200 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.Hiện, cả nước có 5.506 xã (bằng 62%), 173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn nông thôn mới. 12 tỉnh, TP đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 4,2%.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp
Với tinh thần nhìn rõ tồn tại, hạn chế để khắc phục, quyết liệt trong hoạt động thực tiễn, khát vọng thành công hơn, Bộ NN&PTNT nhìn nhận: Tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2020 đạt mức khá cao 2,65%, nhưng có lĩnh vực mức tăng không đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử như thủy sản chỉ tăng 2,63% (mục tiêu đề ra 5,22%).
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, cùng sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân, nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ còn chậm. Có thời điểm cung - cầu thịt lợn mất cân đối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây áp lực tăng lạm phát (CPI).Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; có vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7 - 3%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 42 tỷ USD. Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia trong mọi tình huống.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.Tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.