Nóng nhân sự cấp cao ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự thay đổi vị trí nhân sự cấp cao tại các ngân hàng chưa bao giờ nóng và nhận được sự quan tâm nhiều từ thị trường như hiện nay. Mới đây, ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank để tập trung cho sức khỏe.

 Ảnh minh họa
Trước đó, những tháng đầu năm 2018, các ngân hàng TMCP Nam Á, An Bình, Kiên Long đều lần lượt công bố thay Tổng Giám đốc. Tại SeABank, ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi nhiệm chức Tổng Giám đốc, quyền điều hành được giao lại cho ông Lê Văn Tần - Phó Tổng Giám đốc. Nhiều ngân hàng như PVCombank, BacABank, Eximbank, NCB cũng có tờ trình Đại hội cổ đồng về kế hoạch thay đổi Tổng Giám đốc.
Theo nghị quyết HĐQT vừa được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố chiều tối 22/3, HĐQT Sacombank đã chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT - Phó Chủ tịch Thường trực của ông Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng từng là Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN), đại diện NHNN tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Ông Kiều Hữu Dũng ra đi cũng đánh dấu nhân sự cuối cùng trong ban lãnh đạo Sacombank thời ông Trầm Bê.

Thứ nhất, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt trong thời gian qua của NHNN. Với định hướng đó, nhân sự là một trong những vấn đề được các ngân hàng đặt lên hàng đầu. Các hoạt động thay đổi nhân sự của các ngân hàng vừa qua thứ nhất là để đáp ứng các quy định từ ngày 15/1/2018, Chủ tịch, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở DN.

Thứ hai, nhân sự mới được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho ngân hàng. Một điều dễ thấy, xu hướng chung các ngân hàng năm nay đều chọn những nhân sự trẻ vào ban điều hành khi ngân hàng đang chuyển hướng kinh doanh sang dịch vụ bán lẻ. Đơn cử ông Trần Ngọc Tâm được NamA Bank đặt vào vị trí Tổng Giám đốc ở tuổi 45. Tại Kienlong Bank, mới đây cổ đông cũng được tiếp nhận thông tin bà Trần Tuấn Anh giữ chức vụ quyền Tổng Giám đốc ở tuổi 42.

Có nhiều nguyên do khiến vị trí cấp cao bị thay đổi trong thời gian gần đây như những ngân hàng đang trong tình trạng tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng tăng vốn, mua bán sáp nhập, lộ trình áp dụng Basel II... Song trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành ngân hàng bị xử lý nghiêm khắc nên việc tìm được lãnh đạo phù hợp cho tình thế mới là điều không dễ dàng gì. Mùa Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 3 – tháng 4, do vậy tới đây, chắc chắn cổ đông có thể nghe thêm nhiều thông tin dịch chuyển lãnh đạo ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần