Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản “rủ nhau” lên sàn mùa dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người, từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online. Đây là cơ hội mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho các loại nông sản.

 Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã chính thức được mở bán trên sàn thương mại điện tử Lazada
Thời điểm này bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính của nhiều loại trái cây ở miền Bắc như dưa hấu, dứa, vải, mận, xoài… Đặc điểm chung của các loại nông sản này là thời vụ ngắn, sản lượng nhiều nên áp lực tiêu thụ rất lớn. Thực tế trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương gặp lúng túng trong việc tiêu thụ nông sản dẫn tới tình trạng dư thừa, cần giải cứu. Chính vì thế hiện các địa phương đã chủ động đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, để giảm áp lực lên kênh tiêu thụ truyền thống.
Là một trong những địa phương đi đầu trong phương thức bán hàng mới, tỉnh Hải Dương đã ký kết và đưa sản phẩm vải Thanh Hà lên 4 sàn thương mại điện tử trong nước và 1 sàn thương mại điện tử quốc tế. Kể từ 0 giờ ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã chính thức được mở bán trên sàn thương mại điện tử Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng 4 giờ. Sản phẩm được cam kết về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam – James Dong cho biết: “Chỉ sau nửa giờ đăng bán, Lazada đã bán được 4 tấn vải tươi. Điều đó cho thấy tiềm năng khách hàng của sản phẩm là rất lớn”.

Mới đây, trong buổi họp với Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm 2021 là 180.000 tấn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung chào bán sản phẩm trên sàn thương mại điện. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ DN tham gia thiết kế các gian hàng online ở các sàn uy tín.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử là một nỗ lực lớn của các bên. Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Nhiệm vụ của các địa phương là cần tích cực hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình, sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc để có thể cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm đến khách hàng.

Có thể khẳng định, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử hiện nay là hợp xu hướng tiêu dùng, mở ra cánh cửa mới cho nông sản. Thông qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo… các nhà sản xuất, DN sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cơ hội lựa chọn thị trường, lựa chọn đối tác xuất khẩu, không phải qua trung gian, giảm thiểu tình trạng bị ép giá, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa và tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả. Về phía người tiêu dùng, họ được mua hàng thuận tiện hơn và dễ dàng lựa chọn những loại đặc sản từ các tỉnh xa mà không cần phải mất thời gian đi lại.