Nông sản Việt muốn đi Trung Quốc cần tuân thủ những yêu cầu gì?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/12, Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”, với kỳ vọng tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để việc sản xuất cũng như xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân được thuận lợi.

5 yêu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc

Theo TS Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Chuối là một trong 5 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua nghị định thư.
Chuối là một trong 5 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua nghị định thư.

TS Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ NN&PTNT sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Đối với các cơ sở đóng gói, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời, phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…

Trên hộp hàng xuất khẩu cũng phải ghi dòng chữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh: “Exported to the People’s Republic of China”. Trong khi khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khử trùng.

Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật, lô hàng sẽ được xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.

Trái sầu riêng có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc.
Trái sầu riêng có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc.

Minh bạch hóa quy trình sản xuất

Chia sẻ những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ThS Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), cho biết, việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn VietGAP là các điều kiện và quy định về hoạt động của cơ sở sản xuất; Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất; An toàn lao động và điều kiện làm việc. Đánh giá về những mối nguy tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội đối với người sản xuất và tiêu chuẩn truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 

 

“Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý kiểm soát chặt mã số vùng trồng để đảm bảo uy tín và chất lượng cho nông sản Việt nói chung và sầu riêng nói riêng. Bên cạnh các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng. Chúng tôi cũng mong muốn được tiếp cận được thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc như mẫu mã, độ ngọt, màu sắc…”

Ông Trần Văn Thắng, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk)

Thông tin về vấn đề quản lý sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc, ThS Ngô Xuân Chinh cho biết sản phẩm trước và sau thu hoạch cần phải được phân tích theo các chỉ tiêu về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV theo Thông tư 50/2016/TT-BYT, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm theo QCVN 8-1:2011/BYT. Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất.

Đối với công tác đào tạo, ông Chinh cho biết, trước khi làm việc, người lao động của tổ chức, cá nhân phải được thông báo về những nguy cơ liên quan đến sức khoẻ và điều kiện an toàn. Người lao động phải được tập huấn (nội bộ hay bên ngoài) về VietGAP hoặc có kiến thức về VietGAP ở công đoạn họ trực tiếp làm việc. 

Một số chuyên gia cũng lưu ý thêm, tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổ chức kiểm tra nội bộ theo các yêu cầu của VietGAP không quá 12 tháng một lần. Khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 3 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.

Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất. Kết quả kiểm tra và hành động khắc phục các điểm không phù hợp với VietGAP phải lập văn bản và lưu hồ sơ.

5 khuyến nghị của doanh nghiệp Trung Quốc

Chia sẻ tại Diễn đàn của Bộ NN&PTNT sáng 10/12, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã đưa ra 5 đề xuất, kiến nghị cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định; về quy trình đóng gói, bán hàng cũng yêu cầu nghiêm ngặt.

Kiểm soát chặt mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng tiến tới xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt sang Trung Quốc.
Kiểm soát chặt mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng tiến tới xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt sang Trung Quốc.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn. Do đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời, có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, sầu riêng Việt Nam từng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra. “Việc xảy ra những tình trạng này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang bày tỏ.

Thứ tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc. Dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.

Khuyến nghị thứ năm, ông Bob Wang cho biết sẽ khởi động dự án “Chợ trái cây quốc tế” tại Trung Quốc trong năm nay và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

“Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24/12, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc. Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc. Những người bạn Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi sau cuộc họp để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này”, ông Bob Wang thông tin. 

 

Chia sẻ tại Diễn đàn sáng 10/12, ông Bùi Phước Hòa, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cần có sự thay đổi tư duy đối với người sản xuất. Thay vì đáp ứng các yêu cầu của bên đánh giá, cấp phép, làm đối phó, mục tiêu của việc áp dụng các quy trình GAP là để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, ổn định chất lượng, từ đó chứng thực nguồn hàng, bán với giá cao.