Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản xuất khẩu Việt Nam đối mặt nhiều rào cản

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông sản xuất khẩu Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, nông sản Việt rất khó vượt qua những rào cản nếu thiếu giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp.

Gia tăng sức ép cạnh tranh

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI (đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: moit.gov.vn
Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh: moit.gov.vn

Với lợi ích thu được từ Hiệp định, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar; xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Đề cập về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý; từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...

Chế biên tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biên tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

“Nông sản sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội” – ông Trần Thanh Hải lưu ý.

Ứng dụng công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn cao

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi, chế biến để đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

 

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương)

Đặc biệt, công nghệ được xác định là giải pháp quan trọng giúp tăng giá trị cũng như nâng cao thị phần của nông sản của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nhằm đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về môi trường, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu.

“Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Hội nêu quan điểm.

Nhấn mạnh về giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Đức Nghiệm khuyến nghị, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá.