Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều di sản kiến trúc bị ảnh hưởng, nếp sống văn hóa nông thôn đang có nhiều thay đổi. Nhằm tìm giải pháp đồng bộ trong việc phát triển NTM và giữ gìn bản sắc văn hóa của làng quê ở Hà Nội ngày 30/11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức tọa đàm “Xây dựng NTM Hà Nội với những vấn đề của bảo tồn văn hóa”.
|
Du khách tham quan phố đi bộ tại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông. Ảnh: Chiến Công |
Đơn cử như làng nghề Vạn Phúc, đời sống dân làng đã thay đổi, xuất hiện nhà cao tầng hiện đại, hình thành các tuyến đường giao thông đô thị lớn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị được đầu tư. Bên cạnh nghề dệt lụa truyền thống, nhắc đến Vạn Phúc người ta còn biết đến như một trung tâm buôn bán hoa cây cảnh, đồ cũ, đồ cổ có tiếng của Thủ đô. Tuy nhiên, theo KTS Phan Kế Chính, công tác tổ chức thực hiện không nghiên cứu các đặc trưng làng nghề truyền thống địa phương trong sự phát triển kinh tế thị trường. Ở làng, tôi không thấy các công trình kiến trúc mang được giá trị bản sắc địa phương, vùng miền. Từ đó kiến trúc không góp phần định hướng, dẫn dắt hoạt động cộng đồng xã hội hướng tới giá trị truyền thống văn hóa cần gìn giữ. Do vậy dẫn đến hệ quả, làng nghề Vạn Phúc không phát triển đúng như quy hoạch ban đầu. Ngày nay, khu làng nghề không thu hút người dân ra sản xuất mà chỉ là khu nhà ở kết hợp dịch vụ. Khu làng nghề đã trở thành trung tâm buôn bán sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ cũ.
"Nhiều làng xã xung quanh Hà Nội, do đất chật, người đông đã mở rộng mặt bằng sinh hoạt ra khỏi ranh giới cũ, lấp ao hồ, xây nhà lấn chiếm lên ruộng vườn. Diện tích cây xanh bị giảm đi đáng kể, không gian trở nên oi bức, ngột ngạt." - Nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội
"Thực hiện xây dựng NTM Thủ đô, hầu hết những con đường làng, ngõ xóm trong các thôn, các xã của các huyện, thị xã đã được bê tông hoá, không còn con đường đất lầy lội. Những con đường hoa và bích hoạ rực rỡ đủ màu sắc, làng xóm dần hình thành như một công viên hoa, là hình ảnh đẹp mắt cho mọi người đi qua." - KTS Phạm Thu Nga – Hội KTS Hà Nội
"Khi quy hoạch NTM vùng ven đô cần xem đối tượng làng ven đô vừa như một khu chức năng đô thị nhưng cũng rất đặc thù. Đó là cần bố trí khu chức năng làng nghề hoặc khu đất dịch vụ (cho phát triển các nghề dịch vụ mới trong quá trình phát triển của đô thị hóa để chuyển đổi sinh kế cho người dân từ nông thôn sang cuộc sống đô thị). " - KTS Phan Kế Chính |
Trong quá trình triển khai chương trình NTM, Nhà nước cấp kinh phí để trùng tu phục dựng hàng chục công trình đình, chùa, đền, miếu. Nhờ đó, một số công trình đã được bảo tồn giá trị văn hóa và nghệ thuật tốt như: Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Ba Vì), chùa Tứ Xã (Mỹ Đức). Nhưng nhiều công trình sau khi phục hồi đã không đảm bảo chất lượng, làm suy giảm rất nhiều về giá trị văn hóa và nghệ thuật như chùa Quang Húc (Ba Vì), đã phải hạ giải đến 3 lần mà vẫn không đạt yêu cầu. Đình Thanh Ứng, Thụy Phiêu (Ba Vì) sau khi phục hồi không còn ai nhận ra giá trị văn hóa, nghệ thuật như đã có. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) đã để lại nhiều tai tiếng sau khi tôn tạo. Một vài nơi, người dân đã lợi dụng tín ngưỡng với mục đích kinh tế. Họ cho xây dựng một số công trình mới không có giá trị văn hóa nghệ thuật và còn bị hoành tráng hóa để khai thác du lịch kiếm lời như chùa Đậu (Thường Tín), khu Thiền viện Đan Phượng. Cả hai nơi này đều có những kiểu dáng kiến trúc xa lạ với lối nghệ thuật, kiến trúc truyền thống. Một số công trình do trình độ, tay nghề cũng như kiến thức không đảm bảo, đôi khi thiếu kinh phí làm cho công tác bảo tồn di sản không đảm bảo chất lượng.
Mặt khác, các giá trị văn hóa tinh thần ở nông thôn có nhiều thay đổi. “Từ các hương ước của làng xã, văn hóa ứng xử văn hóa của người dân trong cộng đồng; y phục và thời trang của các lứa tuổi nam nữ ở nông thôn; cách thờ cúng, tập quán sống hàng ngày của người dân… cho đến các giá trị văn hóa phi vật thể như các biểu hiện trong sáng tạo văn học nghệ thuật: Hát xẩm, ca trù, chèo, tuồng… đã thay đổi và tiếp thu cái mới, loại bỏ cái cũ. Trong đó, có nét văn hóa đã bỏ đi một thời gian dài, nay lại được phục dựng lại một cách mạnh mẽ, có khi phục hồi một cách quá đà trở thành xu thế của số đông. Điển hình có thể kể đến việc phục hồi một số lễ hội chém trâu, chém lợn, những hội mang tính đồng cốt dị đoan quá đà” - nhà thơ Bằng Việt nhìn nhận. Tất cả những biểu hiện trên đòi hỏi cần có một biện pháp khoa học để lọc ra những gì cần bảo tồn tôn tạo, những gì cần cải tạo nâng cao và xây dựng mới trong quá trình triển khai xây dựng NTM.
Giải pháp bảo tồn văn hóa nông thônSong hành với quá trình xây dựng NTM, công tác bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ và phát triển các di sản kiến trúc là mối quan tâm được đặt lên hàng đầu. Theo KTS Trần Trung Hiếu – Sở QH&KT Hà Nội: "Theo dòng chảy thời gian, dưới tác động của sự phát triển kinh tế thị trường và sự phát triển xã hội, các xã trước đây của TP Hà Nội không tránh khỏi quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển theo xu hướng NTM, việc bảo tồn cấu trúc các làng nghề, đình, đền, chùa cũng đặt ra cấp thiết. Nó là tinh hoa chắt chiu bao nhiêu năm tháng theo cấu trúc truyền thống vốn có. Để có sự hài hòa trong lúc giao thoa của đô thị hóa cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn. Do đó cần xây dựng, phát triển đô thị trong khu vực có di tích lịch sử, giá trị văn hóa theo tiêu chí của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỷ lệ 1/25.000, Quy hoạch chung của các huyện tỷ lệ 1/5.000, Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/500, cần xây dựng với mật độ thấp, các công trình thấp tầng từ 1 - 3 tầng, khuyến khích các công trình xây dựng theo nhà ở nông thôn truyền thống, sinh thái.
Các mẫu nhà sẽ được các cơ quan quản lý thẩm định và đưa ra phù hợp các tiêu chí, sinh hoạt cho nhà ở nông thôn. Các mẫu điển hình được lựa chọn sẽ được trưng bày công khai tại UBND các xã, huyện, lấy ý kiến các cấp, Nhân dân sau khi phát phiếu điều tra xã hội học, họp và được các cấp quản lý Nhà nước, nhà khoa học thống nhất, đồng thuận. Trong quá trình chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng, các phòng quản lý đô thị tham mưu cấp huyện cấp giấy phép xây dựng. Sau đó, khi thực hiện, Thanh tra xây dựng cấp huyện quản lý chặt chẽ và phải tuân theo một trong những mẫu thiết kế điển hình đã trưng cầu dân ý trước đó và đã được cơ quan thẩm định phê duyệt. Quá trình thi công không được thay đổi hình thức bên ngoài cũng như diện tích xây dựng, chiều cao công trình đã phê duyệt, cho phép thay đổi không gian, công năng bên trong để phù hợp với nhu cầu mỗi hộ gia đình.